Kế hoạch số 3239/KH-UBND ngày 9/9/2022 về thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững thành phố Hòa Bình giai đoạn 2021-2025 nêu rõ mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 1,2%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mỗi năm bình quân từ 0,2-0,3%; Đối với xã đặc biệt khó khăn (xã Độc Lập) giảm từ 3- 5% trở lên.
Độc Lập là xã khó khăn của thành phố Hoà Bình (tỉnh Hoà Bình). Nếu năm 2021, xã có 131 hộ nghèo, tỷ lệ 20,93% thì tới cuối năm 2023, kết quả rà soát hộ nghèo cho thấy toàn xã chỉ còn 39 hộ nghèo, tỷ lệ 6,25%. Hỗ trợ các mô hình sinh kế là một trong những giải pháp quan trọng giúp nhiều hộ ở đây vươn lên thoát nghèo.
Năm 2024, gia đình anh Bùi Văn Bình ở xóm Mùi, xã Độc Lập, vui mừng vì lần đầu tiên được thoát khỏi danh sách hộ nghèo. Anh là một trong 38 hộ nghèo ở xã được chính quyền hỗ trợ bò sinh sản từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Không chỉ nhận bò giống, anh còn thường xuyên được cán bộ nông nghiệp, khuyến nông tập huấn kiến thức, kỹ năng chăn nuôi bò.
Anh kể, nhờ đó, các hộ chăn nuôi đã biết cách chăm sóc “đầu cơ nghiệp” bằng cách trồng thêm cỏ để bổ sung dinh dưỡng. Hộ nghèo cũng được hướng dẫn cho bò ăn bằng nguồn thức ăn tinh, nuôi nhốt, giữ ấm khi thời tiết lạnh sâu và chú ý đến việc tiêm phòng hay một số bệnh thường gặp.
Dự án chăn nuôi bò sinh sản mà anh Bình và nhiều hộ nghèo đang tham gia là nội dung được triển khai hiệu quả trên địa bàn thành phố Hòa Bình. Việc nhân rộng mô hình giảm nghèo chăn nuôi bò sinh sản đã tạo được niềm tin và sự hưởng ứng tích cực của người dân, tiếp thêm động lực vươn lên phát triển kinh tế, mang đến cơ hội thoát nghèo cho nhiều hộ gia đình.
Bằng nhiều nỗ lực và giải pháp đồng bộ, năm 2023, tổng số hộ nghèo tại thành phố Hoà Bình (tỉnh Hoà Bình) giảm còn 374 hộ, tỷ lệ 1,06% (giảm 0,32% so với đầu năm). Tổng số hộ cận nghèo là 469, tỷ lệ 1,34%.
Năm 2024, thành phố Hòa Bình phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 0,96% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025. Hiện các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn thành phố Hoà Bình đã được triển khai tích cực, nhất là trong thực hiện các chế độ, chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gặp khó khăn đột xuất. Các hoạt động tập trung vào giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho vay tín dụng ưu đãi, hỗ trợ cải thiện nhà ở, y tế, giáo dục để đảm bảo an sinh xã hội.
Hiện nay thành phố thực hiện 6 mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm thuộc dự án 2 và 5 mô hình thuộc tiểu dự án 1 của dự án 3 Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Các mô hình đều liên quan phát triển sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, gắn với quy hoạch phát triển sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đến nay, các mô hình này có gần 250 hộ tham gia.
Địa phương cũng tổ chức 9 lớp đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp từ năm 2021 đến nay. Cùng với đó, 4 hội nghị, hội thảo tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 1.000 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, hộ gặp khó khăn tại 4 điểm cụm trên địa bàn thành phố được tổ chức.
Tính đến ngày 20/9, thành phố đã giải ngân nguồn vốn gần 5,5 tỷ đồng thực hiện các dự án, tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, tư vấn về học nghề, xuất khẩu lao động, tổ chức hội nghị tư vấn hướng nghiệp, học nghề, việc làm, tập huấn, tuyên truyền, đối thoại chính sách với người nghèo.
Để mở thêm cơ hội cho người dân, tạo động lực thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở địa phương, thành phố Hoà Bình cũng đầu tư xây dựng, sửa chữa các công trình hạ tầng kỹ thuật tại các phường, xã như trường học, giao thông nông thôn, nước sạch, các thiết chế văn hóa…
Nhằm huy động tối đa nguồn lực chăm lo đa chiều cho người nghèo, cận nghèo, thành phố Hoà Bình linh hoạt các nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia, tiếp nhận từ nguồn hỗ trợ của cộng đồng, các đoàn thể chính trị xã hội. Theo đó, thành phố đã miễn, giảm học phí cho 2.668 lượt học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; Rà soát, cấp thẻ và gia hạn thẻ bảo hiểm y tế cho 4.659 lượt người thuộc hộ nghèo; 3.791 lượt người thuộc hộ cận nghèo.
Năm 2024, thành phố phấn đấu 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, về giáo dục, y tế… và tiếp cận thông tin; đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh đều được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội; 100% lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trong độ tuổi lao động có nhu cầu và khả năng lao động đều được hỗ trợ học nghề và giới thiệu việc làm.