Người Trung Quốc đang ùn ùn kéo đến nhà máy lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới đặt tại thành phố Trịnh Châu. Chỉ mất vài tiếng để đào tạo một người chưa có kỹ năng thành một người vận hành dây chuyền. Bên ngoài trung tâm tuyển dụng, hàng trăm người háo hức chờ đợi – rất nhiều người vừa xuống khỏi tàu hoặc xe buýt với hành lý trên tay – hi vọng được trải qua đêm đầu tiên tại ký túc xá nhà máy.

{keywords}
Người xin việc xếp hàng chờ lên xe buýt đi kiểm tra sức khỏe.

Tiêu chuẩn tuyển dụng khá thấp, chỉ cần ứng viên có cơ thể khỏe mạnh, trong độ tuổi từ 16 đến 48, đều có khả năng được nhận vào “thành phố iPhone”. Một ứng viên trẻ cho biết cô chưa bao giờ làm việc tại nhà máy. Cô học y tá tại một trường dạy nghề nhưng quyết định xin vào Foxconn “cho vui”.

Nhu cầu tuyển dụng công nhân Foxconn trước khi phát hành iPhone 12 vô cùng lớn. iPhone 12 và iPhone 12 Pro bắt đầu nhận đặt hàng từ 16/10. Nhà máy phải hoạt động 24/7 để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Các chuyên gia dự đoán iPhone mới sẽ bán chạy do người dùng trung thành cần lên đời máy cũ.

{keywords}
Xếp hàng dài bên ngoài nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới.

Bất chấp những câu chuyện về Mỹ “tách rời kinh tế” với Trung Quốc, năng lực sắp xếp lao động hiệu quả, giá rẻ quy mô lớn của Trung Quốc vẫn chưa có nước nào theo kịp. Shen Chen, một người làm tại trung tâm tuyển dụng Foxconn, cho biết họ nhận được ít nhất 2.000 hồ sơ mỗi ngày. Phía sau cô, một tấm biển ghi rõ trung tâm hoạt động từ 7 giờ sáng tới 4 giờ chiều, từ thứ Hai tới Chủ nhật.

Hiện tại, Foxconn tuyển dụng hàng ngày. Tốc độ xử lý nhanh đồng nghĩa với nhiều người có thể được việc làm chỉ trong vài giờ sau khi đến đăng ký. Thông tin về lương và chỗ ở được công khai. Một trong các điểm hấp dẫn nhất khi làm việc tại Foxconn là nhân viên mới sẽ được thưởng 10.000 NDT (gần 34 triệu đồng) nếu họ làm việc ít nhất 55 ngày trong 3 tháng đầu tuyển dụng.

{keywords}
Nhịp sống sôi động về đêm quanh nhà máy Trịnh Châu.

Theo SCMP, Foxconn đang có hơn 250.000 công nhân dù công ty từ chối tiết lộ chi tiết. Trước khi Foxconn xây dựng nhà máy khoảng một thập kỷ trước, nơi này chỉ là vùng ngoại ô yên tĩnh của Trịnh Châu. Danh tiếng của Foxconn khi đó cũng không mấy tích cực. Hàng loạt vụ tự tử của nhân viên khoảng năm 2010 tràn ngập trên mặt báo và một số khách hàng, bao gồm Apple, phải điều tra việc tuyển dụng của công ty.

Ngày nay, khu phức hợp Trịnh Châu là một trong các cơ sở sản xuất lớn nhất Trung Quốc, giúp nước này tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhà máy Foxconn là trung tâm kinh tế của khu vực lân cận. Số lượng người trẻ tuổi với mức lương tốt đã làm nên một cộng đồng tiêu dùng sôi động.

Trong khi nhiều thành phố chứng kiến người trẻ lũ lượt ra đi, xung quanh nhà máy Foxconn lại vô cùng đông đúc, mang đến không khí náo nhiệt không thua kém các khu vực mua sắm tại những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải. Quần áo, trái cây, đồ dùng hàng ngày, đồ ăn nhanh được bày bán dọc những con đường gần ký túc xá. Một người bán mỳ cho biết ông phải trả phí quản lý 100 NDT mỗi ngày để có chỗ ở đây nhưng việc kinh doanh khá tốt. Một bát mỳ nóng giá 5 NDT là lựa chọn phổ biến của công nhân sau khi tan ca muộn.

Đại lý việc làm cũng mọc lên như nấm. Quanh trung tâm thương mại Woojin, ít nhất 10 đại lý mở liền kề nhau. Theo một đại lý, toàn bộ quá trình tuyển dụng để làm việc tại nhà máy iPhone chỉ mất vài tiếng. “Nếu kết thúc phỏng vấn trước 11 giờ sáng, bạn có thể kiểm tra y tế và bắt đầu làm việc vào buổi chiều”, người này nói.

Không hiếm gặp các cặp vợ chồng, họ hàng cùng nhau xin việc. Theo vài công nhân tại nhà máy, mỗi giờ họ được trả gần 30 NDT, tăng mạnh so với mùa thấp điểm. Một số người cho biết từ tháng 8, họ bắt đầu làm ca 10 tiếng. Một người tiết lộ đã làm việc ở đây 4 năm nhưng kỳ nghỉ lễ Quốc khánh năm nay là lần đầu làm thêm giờ. Mỗi ngày như vậy, lương tăng 300%.

Người dân địa phương nói số lượng công nhân tại nhà máy tăng đáng kể so với trước dịch Covid-19, phản ánh tầm quan trọng của nhà máy trong chuỗi cung ứng của Apple do nhiều nơi trên thế giới vẫn đang bị gián đoạn sản xuất do dịch bệnh.

Thành công của Trung Quốc trong khống chế Covid-19 đã nâng cao vị thế của quốc gia trong thương mại toàn cầu. Ứng viên đến Foxconn phải trình mã y tế màu xanh mới được vào nhà máy và yêu cầu đeo khẩu trang trong nhà.

Sự kết hợp của nguồn lao động dồi dào, dịch vụ hậu cần hiện đại và chính sách hỗ trợ của chính phủ biến Trịnh Châu thành địa bàn sản xuất lý tưởng. Dù nhiều doanh nghiệp nói đến việc giảm lệ thuộc vào Trung Quốc bằng cách chuyển sản xuất sang các thị trường khác như Ấn Độ hay thậm chí sang Mỹ thì Trung Quốc vẫn là cơ sở sản xuất quan trọng nhất của những công ty như Foxconn.

Còn với những người đang tìm cơ hội việc làm hậu Covid-19, họ không lo ngại về nguy cơ “tách rời kinh tế”. Zhao, một công nhân Foxconn, bày tỏ: “Đây không phải thứ chúng tôi lo lắng. Điều chúng tôi quan tâm nhất là đi làm và được trả lương”.

Du Lam (Theo SCMP)

Đọ cấu hình iPhone 12 cùng các smartphone Android hàng đầu

Đọ cấu hình iPhone 12 cùng các smartphone Android hàng đầu

Cấu hình bộ tứ iPhone 12 vừa ra mắt so với các smartphone Android hàng đầu đang bán trên thị trường có gì khác biệt?