Đến bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả UBND phường Nam Thành, để giải quyết thủ tục hành chính, ông Nguyễn Văn Thế (phố Bắc Thành) không chỉ được cán bộ tại bộ phận nhanh chóng giải quyết thủ tục, điền các thông tin cần thiết mà còn tư vấn, hướng dẫn cách thức thực hiện thủ tục trực tuyến trên môi trường điện tử.
Ông Thế cho biết: Qua tuyên truyền, chúng tôi đã hiểu chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích, sự thuận tiện cho người dân khi có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính hay chỉ đơn giản là những giao dịch trong cuộc sống như: thanh toán tiền điện, nước, quét mã QR để truy cập thông tin…
Do đó, dù đã cao tuổi, công nghệ thông tin cập nhật kém nhưng tôi đã được con cháu hỗ trợ, hướng dẫn để khi có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính, tôi sẽ tranh thủ các tiện ích của chuyển đổi số để không phải đi lại như này.
Bà Lê Thị Kiều Hoa, công chức Văn phòng-thống kê tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả UBND phường Nam Thành cho biết: Để người dân trong phường tiếp cận với hoạt động chuyển đổi số, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số phường đã ban hành kế hoạch, triển khai toàn diện các nội dung: tuyên truyền, trang bị máy móc, thiết bị phục vụ chuyển đổi số, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ…
Do đó, tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của phường, khi người dân đến giải quyết các thủ tục hành chính đều thuận lợi khi mạng Internet được bao phủ, Wifi miễn phí, trang bị máy tính để công dân có thể tra cứu, thực hiện thủ tục trên môi trường điện tử.
Đối với các trường hợp công dân chưa thuần thục việc thực hiện dịch vụ trực tuyến, cán bộ tại Bộ phận tiếp tục hướng dẫn để người dân nắm bắt được cách thức thực hiện.
Theo thống kê 8 tháng năm 2024, tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả UBND phường Nam Thành đã có hơn 3.000 hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết; trong đó 80% hồ sơ thực hiện toàn trình, không có hồ sơ tồn đọng, bị trễ hẹn.
Trong những năm qua, UBND thành phố đã chỉ đạo quyết liệt, tạo được sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành với nhiệm vụ thực hiện chuyển đổi số gắn liền với tiếp tục xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số, nhanh chóng đưa thành phố Ninh Bình bứt phá vươn lên đạt mục tiêu về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Thành phố đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin có trọng tâm, trọng điểm, tận dụng, kế thừa hạ tầng kỹ thuật, thiết bị sẵn có để phát triển, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.
Năm 2023, UBND thành phố đăng ký cho 7/14 phường, xã tổ chức thực hiện chuyển đổi số và cơ bản đã hoàn thành theo đúng kế hoạch đề ra.
UBND thành phố đã chỉ đạo các xã, phường đưa nội dung chuyển đổi số vào các cuộc họp, hội nghị giao ban hàng tháng, quý để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Triển khai đầy đủ các văn bản và triển khai tốt các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch thực hiện xác thực và định danh điện tử năm 2023 (Đề án 06).
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh.
UBND thành phố đã có quyết định phê duyệt kết quả đánh giá xếp hạng mức độ chuyển đổi số các xã, phường năm 2023. Bộ tiêu chí đánh giá xếp hạng mức độ chuyển đổi số các phường, xã năm 2023 căn cứ vào 8 hạng mục: nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng, hoạt động chính quyền số, hoạt động kinh tế số, hoạt động xã hội số.
Kết quả, phường Phúc Thành đạt 446 điểm, xếp thứ Nhất; phường Ninh Phong đạt 445,7 điểm, xếp thứ Nhì; phường Thanh Bình đạt 445,29 điểm, xếp thứ Ba… Việc đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số các xã, phường năm 2023 nhằm từng bước nâng cao chất lượng công tác chuyển đổi số tại địa phương; làm cơ sở để Chủ tịch UBND các xã, phường tổ chức quán triệt, rút kinh nghiệm, có giải pháp đẩy mạnh, phát huy thế mạnh trong chuyển đổi số, nâng cao chất lượng quản lý, điều hành và phục vụ Nhân dân, đồng thời cải thiện các chỉ số chuyển đổi số trong những năm tiếp theo…, góp phần cụ thể hóa mô hình chuyển đổi số cấp xã.
Năm 2024, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số thành phố Ninh Bình tiếp tục phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai các giải pháp về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng CNTT để đảm bảo cho hoạt động chuyển đổi số cấp xã; thúc đẩy, kết nối các doanh nghiệp công nghệ số tham gia vào quá trình chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực.
Thành phố đã chỉ đạo các xã, phường phối hợp với các ngành chức năng triển khai thực hiện chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cải cách thủ tục hành chính, cải cách chế độ báo cáo trong các cơ quan hành chính nhà nước; khai thác, sử dụng hiệu quả, rộng rãi ứng dụng công dân số VNeID; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, nhất là dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng số.
Các xã, phường đã đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng CSDL quốc gia về dân cư trong tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh; chỉ đạo các đơn vị chuyên môn đăng ký bổ sung các tài khoản cho cán bộ, công chức, viên chức tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC phục vụ công tác khai thác, xác thực thông tin công dân trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh.
Hiện 100% cán bộ, công chức tại UBND các xã, phường được cấp và thường xuyên sử dụng hệ thống Thư điện tử công vụ trong hoạt động công vụ, nghiệp vụ và chữ ký số. Bên cạnh đó, thành phố cũng chú trọng kiểm tra, giám sát theo Kế hoạch đã được ban hành; triển khai các ứng dụng kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số trên môi trường số…
Theo Lý Nhân (Báo Ninh Bình)