Buổi chiều tại ký túc xá Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, sau tiết học trên lớp, Quân cùng các bạn trong khu rủ nhau ra sân, cùng đàn hát cho tới tận xẩm tối.

Một tuần trở thành tân sinh viên Bách khoa, Nguyễn Đức Quân (sinh năm 2002, Hải Phòng) cảm thấy cuộc sống sinh viên khá vui và năng động. Cậu vừa đăng ký tham gia câu lạc bộ tiếng Anh của trường, đồng thời tìm thêm câu lạc bộ cờ vua.

Hàng ngày, phòng ký túc xá của Quân vẫn thường đón thêm các bạn cấp 3 cùng học Bách khoa tới chơi. Nhiều bạn còn mang theo cả thức ăn tới để “góp gạo thổi cơm chung”. Dù không có mẹ ở bên nhưng Quân cảm thấy Hà Nội không quá xa lạ mà vẫn “gần gũi như ở nhà”.

Cậu học trò luôn lạc quan

Đức Quân từ khi sinh ra đã không được khỏe mạnh như các bạn đồng trang lứa. Vừa ra đời, cậu bị gãy tay trái, thể trạng yếu, kém hấp thụ. Đến 20 ngày sau, Quân lại gãy tiếp đùi bên trái. Không mặc được quần áo, vợ chồng chị Trần Thị Thập đành bọc vải quanh người cậu bé, sau đó mang con đi khắp các bệnh viện. Bác sĩ chẩn đoán Quân mắc chứng xương thủy tinh thể nhẹ.

Cũng kể từ đó, vợ chồng chị Thập dồn hết các khoản tiết kiệm, vay mượn thêm họ hàng để chạy chữa cho con. Căn nhà nhỏ là nơi sinh sống duy nhất của cả gia đình cũng phải rao bán để có kinh phí điều trị.

{keywords}

Nguyễn Đức Quân (sinh năm 2002, Hải Phòng), tân sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội

Quân lên 6 tuổi, bệnh tình cũng đỡ hơn nhưng vẫn cần mẹ chăm sóc. Con đến tuổi đi học, chị Thập ngày 8 lần phải đưa đón con đến trường. Bất đắc dĩ, chị đành xin nghỉ công việc kế toán trưởng tại một công ty da giày để con được đi học bình thường giống như các bạn.

Hàng ngày, chị Thập ở nhà bán rau. Kinh tế gia đình giảm sút, nhưng thấy con vẫn luôn say mê với việc học, người mẹ lại như tiếp thêm động lực.

“Có lần phải nhập viện vì gãy xương, Quân vẫn đòi mẹ cho đi học. Con luôn nỗ lực như thế, mình làm mẹ sao có thể ngừng cố gắng”, chị Thập tâm sự.

Quân vẫn luôn là một cậu bé lạc quan, ham học hỏi. Năm lớp 9, trước khi bước vào kỳ thi học sinh giỏi cấp trường, cậu bị vấp ngã ngay trước cửa phòng thi. Lúc đó, Quân chỉ cảm thấy hơi đau. Nghĩ rằng “chắc là bị chuột rút”, cậu vẫn cố lết vào phòng.

Chỉ đến khi hoàn thành bài thi, Quân mới nhập viện cấp cứu. Kỳ thi đó, cậu đạt điểm tuyệt đối 300/300 và giành giải Nhất. Nhưng lần ngã ấy cũng đã khiến Quân bị gãy xương đùi và phải mổ xếp lại. Bác sĩ nói để đi được, Quân phải mất tới vài năm. Cậu học trò rưng rưng nhìn mẹ. Người mẹ cũng chỉ biết động viên: “Vậy hai mẹ con mình cùng nhau cố gắng nhé!”.

{keywords}

Trở thành sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Quân phải tập sống tự lập 

Gần 4 tháng nằm trong viện, Quân vừa chữa trị, vừa tự học trên giường bệnh. Đến khi được bác sĩ cho về nhà, cô giáo và các bạn thay phiên nhau mang sách vở đến giảng lại bài cho Quân. Dù có sự gián đoạn trong việc học, kết quả học tập của Quân vẫn đứng đầu lớp. Cậu cũng được tuyển thẳng vào lớp tài năng của một ngôi trường top đầu.

Quân nói, “em luôn có một suy nghĩ: Mình không có gì khác biệt với các bạn. Ngoại trừ việc phải tạm nghỉ vài tháng vì tai nạn, em vẫn học tập và vui chơi bình thường”. Sự lạc quan của Quân cũng truyền cảm hứng cho nhiều bạn học khác trong lớp.

“Nếu đã yêu thích, sao phải từ bỏ?”

Hạn chế về thời gian khiến Quân phải bỏ dở kỳ thi vào Trường THPT Chuyên Trần Phú. Nhưng cậu nhận thấy mình vẫn có khoảng thời gian rực rỡ trong những năm học cấp 3.

“Nếu đã yêu thích, sao phải từ bỏ?”. Do đó, với bất cứ thứ gì mình thích, cậu học trò Hải Phòng lại quyết tâm thử sức bằng được. Bảng thành tích của Quân dày đặc với các giải thưởng ở môn Toán, Tiếng Anh. Cậu còn tham gia thi các cuộc thi về cờ vua cấp thành phố.

Năm 2019, Quân là đồng tác giả đề tài “Khai thác ứng dụng của Internet xây dựng mô hình tự học môn toán nhằm phát triển năng lực sáng tạo và tư duy phản biện cho học sinh THPT”, giành giải Nhất trong kỳ thi Khoa học kỹ thuật cấp thành phố dành cho học sinh trung học tại Hải Phòng. Hiện tại, website do Quân và một người bạn xây dựng, quản lý đã được chuyển giao cho các em khóa dưới.

{keywords}

Quân và Minh - người 10 năm được bạn cõng đến trường sống cùng phòng ký túc xá

Việc đỗ vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội với Quân là niềm ước mơ từ lâu. Đạt 27,15 điểm khối A, Quân trở thành tân sinh viên ngành Toán – Tin. Song niềm vui của Quân cũng là sự lo lắng của bố mẹ. Hiểu tính con, chị Thập biết chắc nếu không cho Quân đi học, con sẽ nhất định không chịu.

“Khi con lên đại học, thầy hiệu trưởng hỏi bố mẹ tính thế nào. Nhưng mình không còn thời gian để nghĩ lâu, nghĩ sâu nữa. Vậy nên nếu con muốn, gia đình vẫn ủng hộ cháu đi học, rồi nước đến đâu mình tính đến đó”.

Bố mẹ vì phải tiếp tục công việc không thể ở bên chăm sóc con, người bác – vốn sức khỏe khá yếu đã thay bố mẹ Quân lên chăm cháu.

Hàng ngày, Quân vẫn cần bác dắt và cõng lên cầu thang. Vết bó cũ bị cong khiến chân của Quân không thể di chuyển bình thường nữa. Cứ mỗi khi thời tiết thay đổi, chân trái trở nên cóng và khó đi.

Dù vậy, Quân vẫn cảm thấy đó không phải là rào cản. Cậu vui vẻ khi được làm quen với các bạn mới, hào hứng với những tiết học đầu tiên trên giảng đường, dù rằng “việc học đại học có đôi chút khó khăn khi phải tự học nhiều hơn”.

Cũng có những lần bị đi lạc và phải “mò đường” vì “trường Bách khoa rộng quá”, Quân vẫn vui vẻ: “Chẳng mấy khi được tham quan trường lâu như thế”.

5 năm phía trước, cả Quân và mẹ đều không thể mường tượng ra được hết những khó khăn sẽ gặp phải. Nhưng Quân nói, mình cứ sống thật vui vẻ và cố gắng hơn mỗi ngày. 

“Bách khoa có truyền thống sinh viên 'tạch môn' nhiều, do đó mục tiêu ngắn hạn của em là vài lần giành được học bổng của trường Bách khoa”.

Thúy Nga

Có một gia đình đặc biệt trong ký túc xá Bách khoa

Có một gia đình đặc biệt trong ký túc xá Bách khoa

Ký túc xá Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm nay đón hai cậu học trò đặc biệt là Tất Minh - người 10 năm được bạn cõng đến trường và Đức Quân - cậu học trò mắc chứng xương thủy tinh 12 năm được bố mẹ đưa đi học.