Payoo, nền tảng thanh toán phổ biến tại Việt Nam, vừa công bố số liệu cho thấy bức tranh giao dịch trực tuyến và trực tiếp trên toàn thị trường hai tháng đầu năm 2022. Số liệu dựa trên dữ liệu thống kê trong mạng lưới chấp nhận thanh toán của Payoo trên toàn quốc.

Nhiều nhóm ngành tăng trưởng tốt nhờ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết

Nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán vừa qua thúc đẩy nhiều ngành có mức tăng trưởng vượt bậc. Tiêu biểu, nhóm ngành siêu thị và trung tâm thương mại tăng tốt do nhu cầu mua sắm cuối năm và đầu năm mới. Giá trị giao dịch nhóm này 2 tháng đầu năm tăng đến 60% so với 2 tháng trước đó. Cá biệt có những chuỗi cửa hàng có doanh thu tăng trưởng gấp 3 lần.

{keywords}
Nhóm ngành siêu thị tăng trưởng nhờ nhu cầu mua sắm dịp Tết Nguyên đán. (Ảnh: Hải Đăng)

Với nhóm điện thoại, điện máy tháng 1 tăng trưởng 45% so với 2 tháng cuối năm do nhu cầu mua thiết bị di động mới dịp Tết. Tuy nhiên đến tháng 2, doanh số chung của nhóm chỉ đạt khoảng 60% so với tháng 1.

Trong hai tháng đầu năm, ngành ẩm thực (F&B) cũng hưởng lợi nhờ những buổi tiệc tất niên, tân niên. Doanh thu tháng 1 lần lượt tăng 40% và 20% so với tháng 11 và 12. Tháng 2 đạt nhỉnh hơn tháng 1 là 5%.

Mảng làm đẹp, spa, mỹ phẩm trong tháng 1 cũng tăng trưởng vì nhu cầu làm đẹp trước Tết, với mức thanh toán online tăng 30 - 40% và thanh toán tại quầy tăng đến 25%. Tháng 2, doanh số trở lại gần như bằng với các tháng trước đó. Ngược lại, nhóm tập luyện thể thao (Fitness) trước Tết giảm đến gần 30% nhưng sau Tết, nhu cầu tập thể dục tăng cao nên tăng nhẹ trở lại, gần 10% so với tháng 1.

Du lịch hồi phục nhờ chính sách mở cửa

Theo đánh giá của Payoo, dịp nghỉ lễ Tết Nguyên đán khá dài và chính sách mở cửa, kích cầu thu hút khách nội địa của các địa phương tạo cơ hội cho nhóm ngành dịch vụ du lịch, lưu trú và khách sạn có bước tăng trưởng rõ rệt.

Doanh thu trung bình 2 tháng đầu năm nay gấp 4,2 lần trung bình 2 tháng 11, 12/2021 và gấp 12 lần so với thời điểm trong dịch (từ tháng 5-10/2021). Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, mảng du lịch đầu năm nay cũng có doanh thu tăng trưởng 50%, có phần đóng góp chủ yếu từ nhóm vé máy bay và khách sạn.

Theo báo cáo, hình thức thanh toán trả sau góp phần lớn vào sự bứt phá của mảng du lịch. Theo đó, khối lượng giao dịch trả sau tăng hơn 30% so với tháng 12, tăng hơn 80% so với tháng 11. Giá trị trung bình của hình thức thanh toán này tăng tới 3 lần so với tháng 12 và gấp 6 lần tháng 11, nhờ động lực chính từ nhóm vé máy bay.

Thanh toán trả sau là hình thức khách hàng đặt vé, giữ chỗ trước, sau đó thanh toán trên website, trên ứng dụng, hoặc tại cửa hàng liên kết. Cụ thể, khi khách hàng hoàn tất đặt vé và lựa chọn thanh toán trả sau, màn hình sẽ hiển thị mã đặt chỗ. Khách hàng lưu lại mã đặt chỗ và tiến hành thanh toán theo đúng thời hạn quy định được thông báo. Nếu sau thời hạn đặt chỗ mà khách hàng chưa thanh toán, đặt chỗ sẽ tự động hủy. Nhiều khách hàng chuộng hình thức thanh toán này để tận dụng chương trình ưu đãi của các hãng vé, hoặc giữ chỗ cho các dịp cao điểm.

Báo cáo đánh giá rằng những số liệu phục hồi của ngành du lịch tháng 1 và 2 kể trên mới chỉ là bước khởi đầu cho quá trình “phá băng” du lịch nội địa. Dự kiến, dịch vụ du lịch sẽ tiếp tục tăng trưởng trong các tháng tới.

Theo nghiên cứu của Visa phát hành vào tháng 1 năm nay, 76% người Việt đang lên kế hoạch du lịch giải trí trong nước vào năm 2022, cao hơn nhiều so với tỉ lệ 38% số người lập kế hoạch du lịch nước ngoài. Cùng với những nỗ lực nhằm đáp ứng yêu cầu về an toàn trong đại dịch của chính quyền các địa phương, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về việc mở cửa cho khách du lịch quốc tế từ 15/3 và cộng hưởng với các giải pháp thanh toán toàn diện, thuận tiện cho du khách, chắc chắn ngành du lịch Việt sẽ thoát bóng ảm đạm để phục hồi mạnh mẽ.

Hải Đăng

Tỷ lệ thanh toán không tiền mặt tại cửa hàng điện thoại tăng vượt trội

Tỷ lệ thanh toán không tiền mặt tại cửa hàng điện thoại tăng vượt trội

Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tại các hệ thống bán lẻ công nghệ cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung.