3 năm làm được 800 km cao tốc
Dự án Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn nối Thái Nguyên và Tuyên Quang, với chiều dài khoảng 28,98 km được Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang tổ chức khởi công sáng 7/6. Đây được xem là “mảnh ghép hoàn chỉnh” của dự án đường Hồ Chí Minh dài gần 3.200 km từ điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng) điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau) dự kiến sẽ thông xe toàn tuyến vào cuối năm 2025.
Chưa bao giờ cả nước như một “đại công trường” nhộn nhịp thi công, với hàng loạt dự án từ đường bộ cao tốc, đến sân bay, đường sắt trên trải khắp 45 tỉnh, thành khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam.
Tinh thần, khí thế làm việc không ngừng nghỉ đó không phải tự nhiên mà có. Nó được “thổi bùng” lên, lan rộng ra khắp các ban, ngành, địa phương bắt nguồn từ quyết tâm cao độ của Chính phủ.
Chỉ riêng trong năm nay, ngày đầu tiên của năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện số 01/CĐ-TTg về tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án, công trình hạ tầng giao thông.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu thi công, nhà thầu tư vấn: Tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "không thua đại dịch", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương" thi công “3 ca 4 kíp”, làm việc xuyên lễ, xuyên tết, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa khô năm 2024, trách nhiệm hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ thi công, nâng cao chất lượng các công trình, dự án, phấn đấu hoàn thành vượt tiến độ đề ra.
Ngày 16/2, tại phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo), Thủ tướng yêu cầu các chủ thể liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để chủ động triển khai, hoàn thành công việc được giao và các cam kết, thỏa thuận đã có.
Tinh thần là “chỉ bàn làm, không bàn lùi, khó khăn ở đâu thì ở đó phải giải quyết, vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó phải tháo gỡ". Ngày 28/5 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính lại ký Công điện số 54/CĐ-TTg về việc tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, huy động cả hệ thống chính trị để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành giải phóng mặt bằng các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải đúng kế hoạch.
Có thể nói, tinh thần “vượt nắng thắng mưa", thi công “3 ca 4 kíp”, làm việc xuyên lễ, xuyên Tết đã được lan tỏa tới tất cả các dự án hạ tầng giao thông lớn, nhỏ đang triển khai trên cả nước.
Những ngày đầu tháng 6, các nhà thầu trên công trường cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt cấp tập huy động tối đa nhân lực, máy móc thiết bị thi công ngày đêm để hoàn thiện 19 km còn lại, đảm bảo thông xe đúng dịp 30/6. Trước đó, 30 km dự án đã được hoàn thiện thông xe vào 29/4, đáp ứng yêu cầu tiến độ.
Nhờ quyết tâm cao độ, sau 3 năm, cả nước đã có thêm 800 km đường cao tốc, nâng tổng số km cao tốc được đưa vào khai thác hơn 2.000 km, mang lại cơ hội phát triển du lịch và kinh tế - xã hội rất lớn cho các địa phương có cao tốc đi qua.
Một trong 3 đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng độ, hướng đến mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 5.000 km đường cao tốc.
Cuộc “cách mạng” làm đường cao tốc bắt đầu từ quyết tâm triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 và được tiếp tục với giai đoạn 2 (2021 - 2025), nối liền một dải Bắc - Nam bằng đường bộ cao tốc, từ cửa khẩu Lạng Sơn đến địa đầu mũi Cà Mau.
Trong đó, giai đoạn 2 được rút ngắn thời gian chuẩn bị đáng kể nhờ Quốc hội, Chính phủ đã cho phép áp dụng nhiều cơ chế đặc thù về lựa chọn nhà thầu, gỡ vướng về mỏ vật liệu.
Đặc biệt, giải phóng mặt bằng (GPMB) thường là công tác phức tạp nhất của dự án do liên quan tới đền bù, tái định cư, tạo sinh kế cho người dân. Song từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ đến nay, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, các địa phương đã mạnh dạn thay đổi trong cách nghĩ, cách làm, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện GPMB, tăng cường đối thoại trực tiếp với người dân.
Hay với vướng mắc vật liệu cát đắp tại đồng bằng sông Cửu Long, lãnh đạo Chính phủ trực tiếp làm việc nhiều lần với các tỉnh và rốt ráo yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Xây dựng nhanh chóng nghiên cứu thí điểm dùng cát biển thay thế. Hàng tháng, Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT đều họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng, nắm bắt khó khăn của từng dự án và có “hạn chót” cho các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ.
Tăng tốc đầu tư sân bay, đường sắt
Không chỉ đường bộ, hàng loạt dự án lớn trên tất cả các lĩnh vực hạ tầng sân bay, cảng biển, đường sắt… cũng đang được chỉ đạo triển khai cấp tập. Chỉ trong 3 năm qua, nhiều dự án hạ tầng hàng không đã được khởi công xây dựng như sân bay Long Thành, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất.
Và mới nhất là mở rộng nhà ga hành khách T2 Nội Bài - dự án được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nút thắt quá tải cho sân bay cửa ngõ Thủ đô. Trước đó, sân bay Điện Biên, sân bay Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) nâng cấp, mở rộng cũng đã được khánh thành.
Với đường sắt, dù chuyển động chậm hơn các lĩnh vực khác, song 2 năm trở lại đây, bộ mặt từng rất cũ kỹ, lạc hậu của ngành đường sắt đang có những bước chuyển mình khá ngoạn mục.
Hiện, Trung Quốc có 42.000 km đường sắt cao tốc, các nước xung quanh cũng đã có đường sắt cao tốc. Với Việt Nam, Bộ Chính trị đã cho chủ trương trong nhiệm kỳ này làm đường sắt tốc độ cao. Nhấn mạnh đường sắt “phải có đột phá, không phải câu chuyện bình bình sửa lại mấy đoàn tàu, nâng cấp mấy nhà ga”, Thủ tướng khẳng định sẽ cùng lãnh đạo ngành đường sắt đưa động lực mới, phát triển đột phá ngành đường sắt, xây dựng đường sắt tốc độ cao với niềm tin “chúng ta sẽ làm được".
Bộ GTVT được giao nhiệm vụ năm 2024 cố gắng trình chủ trương xây dựng đề án đường sắt tốc độ cao. Đồng thời triển khai các dự án đường sắt lớn như Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, TP.HCM - Cần Thơ…
Theo PGS - TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ Việt Nam qua nhiều năm phát triển đã tạo nên một hình hài thực sự là “mạch máu” của nền kinh tế, với hệ thống quốc lộ trước đây, sau đó là đường Hồ Chí Minh và mới nhất là mạng lưới cao tốc.
Một số chuyên gia kinh tế đánh giá, những kết quả trong phát triển hạ tầng giao thông thời gian qua có nhiều ý nghĩa, không chỉ kích hoạt nền kinh tế mà còn hấp dẫn, thu hút nhiều hơn nguồn lực quốc tế đến Việt Nam sau thời gian bị nhiều bất lợi từ đại dịch Covid-19.
Hoàng Nam