Chồng lao đao, vợ cũng chật vật
Gắn bó hơn 10 năm với nghề, cô giáo L.T.H từng trải qua nhiều ngôi trường mầm non cả công lập lẫn tư thục. Cuối năm 2019, cô H. quyết định về làm việc tại một trường tư ở La Khê, Hà Đông (Hà Nội).
“Đó là một quyết định đúng đắn vì mức thu nhập của mình nhỉnh hơn, phụ huynh cũng rất quan tâm và thấu hiểu cho công việc của cô giáo”.
Tuy nhiên, gần nửa năm sau đó, dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều giáo viên trường tư như cô H. lao đao.
“Thật khó khăn khi giáo viên phải nghỉ dạy liên tục; thu nhập vì thế cũng bị ảnh hưởng rất nhiều”.
Dù không tới trường nhưng hàng ngày, cô H. vẫn phải đều đặn đăng bài lên nhóm lớp để… tương tác với phụ huynh. Hơn 3 tháng nghỉ dịch năm ngoái, mỗi tháng cô được hỗ trợ 2 triệu đồng.
“Ám ảnh” vì đợt dịch ấy, vì thế, ngày 4/5, khi nghe Sở GD-ĐT Hà Nội thông báo tạm dừng đến trường đối với học sinh các cấp, cô H. bắt đầu hoang mang.
“Đợt dịch lần này phức tạp hơn rất nhiều, không biết kỳ nghỉ sẽ kéo dài dai dẳng đến bao giờ”, cô H. nói.
Nghỉ để phòng dịch đồng nghĩa với việc cô sẽ bị cắt bảo hiểm.
Nhà trường nói rằng, đây là thời điểm khó khăn chung nên giáo viên cần đồng hành cùng nhà trường.
Như tháng 2 vừa rồi, dịch Covid-19 khiến học sinh phải nghỉ gần 1 tháng, thế nhưng giáo viên cũng bị trường cắt bảo hiểm. Nếu dịch cứ kéo dài thế này, chúng tôi xác định sẽ không được đóng bảo hiểm nữa”.
Nhiều giáo viên mầm non lao đao vì dịch. Ảnh minh họa
Ở Hà Nội, cô H. và chồng phải đi thuê nhà. Chồng cô là hướng dẫn viên du lịch, vì thế giai đoạn này anh cũng lao đao do không thể đi “tour”.
Hai vợ chồng đều rơi vào cảnh thất nghiệp, cô H. đành đánh tiếng và được một phụ huynh trong lớp nhờ tới nhà trông con hộ.
“Trước đây lương giáo viên mầm non là 7 triệu, giờ giảm tới quá nửa, vì thế, ai thuê gì tôi cũng làm nấy”.
Ngoài ra, cô T. cũng phải xin thêm “trợ cấp” từ ông bà ngoại.
“Quê tôi ở Quốc Oai nên hàng tuần sẽ về quê xin ông bà rau cỏ. Thi thoảng, bà có con gà, quá trứng cũng gói ghém gửi cho con. Còn thiếu đâu mình lại mua ngoài này, nhưng phải tính toán chi li hơn trước. Ví dụ, giờ nhà có 5 người thì chỉ dám tiêu 100 nghìn mỗi ngày cho tất cả mọi thứ”.
Thấy vợ chồng con vất vả, nhiều lần mẹ cô T. động viên con đưa cháu về quê để ông bà chăm.
“Nhưng cả 3 đứa đều đang học Zoom, ông bà lại không biết gì về công nghệ. Hơn nữa, cô giáo cũng thường xuyên gửi bài để phụ huynh in cho con làm, vì thế, tôi vẫn phải để con ở Hà Nội”.
Cô T. dự định tạm thời vẫn sẽ trông trẻ thuê cho đến khi nào dịch ổn, học sinh quay trở lại trường.
Cô giáo trẻ vào gần 20 nhóm tìm việc làm
Cũng giống như cô T., M.H.B (25 tuổi), giáo viên mầm non tại Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy đang phải chật vật để vượt qua giai đoạn khó khăn vì Covid-19.
B. nói, sau 3 năm ra trường và đi làm, có quá nửa thời gian cô phải gắn với “con Covid”.
“Năm ngoái được coi là “kỳ nghỉ” đáng nhớ nhất của mình khi quãng thời gian “thất nghiệp” kéo dài quá lâu. Lúc đầu nghe thông báo được nghỉ, mình còn cảm thấy mừng vì nghĩ được tạm xả hơi vài ngày. Nhưng không ngờ, tình hình dịch kéo dài, giáo viên nghỉ việc, bị giảm tới gần 80% lương”.
Vì thế, năm nay, nghe loáng thoáng vài ca mắc Covid-19, B. đã mường tượng ra cảnh sẽ tiếp tục có những kỳ nghỉ kéo dài.
“Không ngờ, điều đó một lần nữa lại đang xảy đến”, B. nói.
Tình hình khó khăn, trường của B. buộc phải cắt giảm nhân sự vì không kham nổi thiệt hại. Dù không nằm vào trong số đó, nhưng B. cũng rơi vào hoàn cảnh “không sung sướng hơn là bao nhiêu”.
D. đăng bài lên các hội nhóm để tìm kiếm việc làm
Để duy trì thu nhập, cô giáo trẻ chủ động lên trên mạng xã hội, tham gia gần 20 hội nhóm tìm kiếm việc làm.
“Ban đầu, mình cũng đăng tìm công việc trông trẻ tại nhà nhưng không có ai phản hồi. Vì thế, mình bắt đầu chuyển hướng sang tìm các công việc khác như đánh máy thuê tại nhà, nhận làm theo sản phẩm.
Nhiều người cũng phản hồi tìm giúp việc theo giờ, nhưng quả thực, tốt nghiệp đại học xong, mình không đủ dũng khí vượt qua rào cản để đi làm những công việc ấy”, B. nói.
Suốt cả tuần nay, bố mẹ B. ở quê liên tục gọi điện hỏi thăm con, B. đành nói dối đã tìm được việc trông trẻ để bố mẹ bớt lo lắng.
“Mình mới đi làm được vài năm nên thu nhập chưa cao, lại cắt giảm 80% lương nên rất chật vật để sống. Tuần tới, nếu tiếp tục không tìm được công việc tại nhà, mình sẽ xin đi bán quần áo”, T. nói.
Chủ trường cũng “đuối sức”
Không chỉ giáo viên, các chủ trường tư cũng nêu ra “cái khó” khi không thể không cắt giảm lương của nhân viên.
Bà Hà Phương, chủ trường Mầm non Chiaki (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, dịch Covid-19 khiến các trường tư bị ảnh hưởng rất nặng nề.
Riêng tiền thuê mặt bằng, mỗi tháng trường này phải chi hơn 30 triệu đồng. Mặc dù chủ đầu tư có giảm để hỗ trợ, nhưng bà Phương cho rằng, mức giảm đó “cũng không đáng là bao nhiêu”.
Mặt khác, học sinh nghỉ đồng nghĩa với việc trường sẽ không có nguồn thu, nhưng mỗi tháng, trường vẫn phải trích ra một phần để hỗ trợ giáo viên.
Bà Phương nhẩm tính, trường có quy mô 10 nhân viên, nhận trông giữ trên dưới 60 trẻ. Nếu hỗ trợ mỗi giáo viên từ 500 nghìn – 1 triệu đồng/tháng, cộng với tiền thuê mặt bằng thì trường sẽ “đuối sức” nếu dịch tiếp tục kéo dài.
Bà Phương cho hay, một số trường nếu còn nguồn dự trữ sẽ phải lấy kinh phí ấy ra để có thể tồn tại thêm một thời gian. Nhưng nếu thời gian nghỉ tiếp tục kéo dài thì cũng rất khó khăn để tồn tại.
Một số khác sẽ phải tính tới phương án chuyển nhượng cơ sở. Nhưng việc chuyển nhượng cũng rất khó vì không ai dám tiếp nhận trường trong thời điểm tất cả cùng khó khăn như thế cả.
Như vậy, các trường phải tính đến việc thanh lý đồ dùng và giải thể do không nuôi nổi cả một bộ máy.
“Mặc dù khó khăn nhưng trường tôi bằng mọi giá vẫn phải cố gắng không cắt giảm nhân sự vì tính đến lâu dài, khi hết dịch trở lại vẫn cần đủ số lượng giáo viên để dạy học.
Nhưng cũng phải nói thật, mùa dịch năm ngoái, có một số cô giáo không chịu được vì thời gian nghỉ dịch quá dài, lên đến 3 – 4 tháng, nên các cô đành phải đi tìm việc khác để kiếm được thu nhập tốt hơn”, bà Phương nói.
Thúy Nga
'Tâm thư' lay động của hiệu trưởng nơi 61 thầy trò phải cách ly tập trung vì Covid
Điều lo lắng nhất cũng đã đến rồi. Covid-19 không còn bên Ấn độ, Nepal nữa mà nó đã về đến quê hương, đã vào trong trường Lê yêu dấu của chúng ta mất rồi...'