Trong số hàng nghìn người tham gia các cuộc biểu tình, có nhiều người sau này đã trở thành nhân vật quan trọng của nước Áo, châu Âu như: Ông Peter Kreisky, Chủ tịch đầu tiên của Hội Hữu nghị Áo – Việt; Ông TS. Peter Jankowitsch đã trở thành Đại sứ đầu tiên của Áo tại LHQ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Áo, nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Áo - Việt; 

Ông Heinz Fischer đã trở thành Tổng thống Áo (hai nhiệm kỳ, 2004 - 2016); Ông Robert Jungk đã trở thành nhà báo nhận được giải Right Livelihood (1986) và được ngành bưu chính Áo chọn in tem… 

Họ đều đã và đang đóng góp công sức vào việc gìn giữ và thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa Áo - Việt Nam. 

Chủ tịch, TS. Peter Jankowitsch (ngoài cùng bên trái) và các thành viên Hội Hữu nghị Áo – Việt tổ chức các cuộc hội thảo quốc tế về mối quan hệ Áo-Việt (2019). Ảnh: WAJ

Khi được hỏi về vị trí, vai trò của Áo và Việt Nam trong vấn đề gìn giữ nền hoà bình chung cho khu vực Á, Âu và thế giới, Đại sứ, TS Hans-Peter Glanzer với tư cách là người đã từng đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tịch Uỷ ban thứ hai trong Đại hội đồng lần thứ 52, Phái đoàn thường trực của Áo tại LHQ, New York (1996-1999) và Phó Trưởng Phái đoàn thường trực của Áo tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) (1999-2004), chia sẻ rằng: 

“Hai quốc gia đã từng trải qua các giai đoạn lịch sử như vậy, đều là những người ủng hộ mạnh mẽ trật tự toàn cầu, trong việc củng cố của các hệ thống đa phương cũng như ủng hộ LHQ và các thể chế khu vực”. 

TS nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng Việt Nam cũng đã, đang góp phần trong việc xây dựng, kết nối khu vực. Việt Nam cũng đã rất thành công trong vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020. Tôi cũng nghĩ rằng điều đó đã tạo hình ảnh tốt trong LHQ. Việt Nam là thành viên Thường trực của Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021. Điều đó cho thấy sự quan tâm, cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với sự ổn định và thịnh vượng chung”. 

Đất nước của thi ca và âm nhạc

Hai dân tộc Áo-Việt còn có điểm tương đồng sâu sắc nữa đó là thi ca và âm nhạc. Áo được coi là “thủ đô âm nhạc của thế giới” với thiên tài Mozart, và Việt Nam được ví là “đất nước của thi ca” với đại thi hào Nguyễn Du. 

Hàng trăm năm qua, tác phẩm của hai thiên tài, danh nhân này đã được công chúng khắp nơi trên thế giới đón nhận và truyền tụng. Đó là di sản tương đồng vô giá mà các bậc tiền nhân đã để lại cho hai dân tộc. Là nền tảng quan trọng để nhân dân hai quốc gia tiếp tục xây dựng, vun đắp tình hữu nghị thông qua giao lưu liên văn hoá, tạo sự vững chắc cho việc hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, khoa học, giáo dục... ngày càng sâu rộng và đạt hiệu quả cao.

Đại sứ Việt Nam Nguyễn Trung Kiên (thứ 3, bên phải) cùng Đại sứ các nước ASEAN nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa hai khối Á-Âu thông qua các chương trình giao lưu liên văn hoá (2022). Ảnh: WAJ

Trong nhiều năm qua, có rất nhiều chương trình âm nhạc cổ điển của Áo, châu Âu được tổ chức tại Việt Nam, cũng như nhiều chương trình văn hoá nghệ thuật truyền thống đặc sắc của Việt Nam được trình diễn tại Áo, châu Âu. 

Đặc biệt, năm 2014, nhận thấy giá trị chung to lớn từ việc giao lưu liên văn hoá, nguyên Tổng thống Áo Heinz Fischer, GS Thomas A Bauer, Đại học Tổng hợp Wien (hai người đã từng xuống đường biểu tình phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam năm 1972) và GS, TS Tạ Ngọc Tấn cùng các nhà khoa học hai bên đã trao đổi, ủng hộ việc khởi xướng đặt Trung tâm Việt Nam học tại Áo, châu Âu. 

GS Thomas A Bauer, GS, TS Tạ Ngọc Tấn và đoàn các nhà khoa học hai nước tiếp kiến Nguyên Tổng thống Áo Heinz Fischer (đứng thứ 6, bên phải) (2014). Ảnh: VPCP Áo

Bên cạnh đó, hai nước cũng đã đặc biệt chú trọng đến việc hợp tác trong lĩnh vực học thuật: Khoảng 30 thỏa thuận hợp tác giữa các trường đại học ở Áo và Việt Nam đã được ký kết; Nhiều trường đại học trong số này đã tham gia vào Mạng lưới các trường đại học hàn lâm ASEAN Châu Âu (ASEAN UNINET). Mạng lưới này được thành lập bởi các trường đại học Áo và Việt Nam. 

Quan hệ song phương có nhiều triển vọng

Hiện nay, Áo nằm trong nhóm 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối EU. Trong khi đó, Việt Nam là đối tác lớn nhất của Áo trong khối ASEAN, kim ngạch hai chiều tăng trưởng nhanh, đạt 2,8 tỷ USD (2022). Kể từ năm 2000, khối lượng lãi suất song phương đã tăng gấp 10 lần, đạt mức cao nhất là 1,4 tỷ euro vào năm 2022. Việt Nam đang xuất khẩu nhiều hơn sang Áo, cũng như nhập khẩu nhiều hơn từ Áo về Việt Nam. 

Ngược lại, Áo có hơn 40 dự án có hiệu lực tại Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực như đường sắt, y tế, đào tạo nghề, xử lý nước thải... 

Hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Áo – Việt Nam (1972-2022), hai nước đã không ngừng củng cố và hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực. Hai bên đã thường xuyên duy trì tiếp xúc và trao đổi các đoàn cấp cao, hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương vì mục tiêu hòa bình, hợp tác, cùng phát triển. 

Chính vì, sự phát triển mạnh mẽ này, năm 2019, Áo đã mở Văn phòng Đại diện - Phòng thương mại tại TP. HCM...

Vừa qua, Tổng thống Alexander Van der Bellen đã mời Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng và đoàn đại biểu cấp cao thăm Áo từ 23 - 25/7/2023 nhân dịp 50 năm kỷ niệm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. 

Đây là dấu mốc quan trọng, là dịp để lãnh đạo và hai nước thảo luận làm sâu sắc hơn về hợp tác chính trị, kinh tế và thương mại ở cấp độ song phương và đa phương. Đồng thời là cơ hội để các doanh nghiệp Áo xúc tiến thương mại, dẫn đầu làn sóng đầu tư vào Việt Nam, đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Áo đi vào chiều sâu và thực chất hơn.

Hy vọng, chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và đoàn cấp cao Việt Nam đến Áo theo lời mời của Tổng Thống Áo Alexander Van der Bellen (23-25/7/2023) sẽ là điểm nhấn quan trọng, đánh dấu mối quan hệ tốt đẹp nhân dịp 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Áo-Việt, cũng như củng cố, thúc đẩy sự hợp tác tích cực, triển vọng trong nhiều lĩnh vực. 

TS. YEN PLATZ