Người Thái mang hàng tỷ USD “shopping” cổ phần doanh nghiệp Việt
Thông tin một gã khổng lồ nước ngoài đàm phán chi 1,5 tỷ USD mua tài sản của một doanh nghiệp bất động sản Việt Nam thu hút sự chú ý của dư luận.
Câu chuyện trở nên đáng chú ý hơn sau khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đưa ra một phát biểu: Nhiều doanh nghiệp đã phải bán gần hết tài sản, “những gì bán được đã bán, và bán có 50% giá thực”. Ông Dũng nhấn mạnh, người mua “toàn là nước ngoài”.
Việc các tập đoàn nước ngoài, trong đó có Thái, Nhật, Hàn… thâu tóm/tính cách thâu tóm các doanh nghiệp Việt không còn là vấn đề mới. Những làn sóng mua bán sáp nhập như vậy đã bắt đầu từ hơn 10 năm trước.
Tuy nhiên, sự nổi lên của làn sóng này khiến nhiều người lo lắng khi mà giờ đây chỉ tính riêng người Thái đã nắm giữ trong tay loạt doanh nghiệp sản xuất hàng đầu của Việt Nam. Họ nắm giữ các cổ phiếu “gà Việt đẻ trứng vàng” sau một thập kỷ “shopping” cổ phần doanh nghiệp Việt.
Hiện, các tập đoàn Thái sở hữu rất nhiều doanh nghiệp sản xuất đầu ngành của Việt Nam và thu tỷ USD tiền cổ tức từ các “cỗ máy in tiền” này.
Trong năm 2017, giới đầu tư xôn xao với thương vụ ThaiBev của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi chi gần 5 tỷ USD để sở hữu xấp xỉ 54% cổ phần Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và biến thương hiệu bia số 1 Việt Nam thành công ty nước ngoài.
Điều mà nhiều tập đoàn nước ngoài quan tâm là dòng tiền và doanh nghiệp có dòng tiền tốt. Sabeco là một doanh nghiệp như vậy.
Sabeco hiện vẫn là thương hiệu bia hàng đầu trên thị trường nội địa và đều đặn “in tiền” cho người Thái. Thông tin từ Sabeco, công ty dự kiến sẽ chia thêm cổ tức đặc biệt 15% cho năm 2022, qua đó nâng tổng mức cổ tức lên 50%. Cổ đông lớn đến từ Thái Lan, Vietnam Beverage nhận hơn 1.700 tỷ đồng.
Cách đây khoảng thập kỷ, Tập đoàn SCG của Thái bắt đầu thâu tóm Nhựa Bình Minh (BMP) - một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất và phân phối ống nhựa của Việt Nam. Sau thương vụ thoái vốn của Nhà nước hồi tháng 3/2018, Nawaplastic đã nắm 49,9% cổ phần BMP và sau đó nâng lên 55% cổ phần.
Trong năm 2022, BMP dành gần như toàn bộ lợi nhuận để chia cổ tức tỷ lệ 84%. Cổ đông Thái ước tính thu về hơn 370 tỷ đồng. Tính trong thập kỷ qua, SCG có thể đã thu về cả nghìn tỷ đồng cổ tức từ doanh nghiệp Việt.
Tại Vinamilk, cổ đông Thái Fraser & Neave hiện nắm giữ tổng cộng hơn 20% vốn tại doanh nghiệp đầu ngành sữa Việt Nam. Trong năm 2022, Fraser & Neave thu về hơn 1.600 tỷ đồng. Với mức cổ tức bình quân khoảng 50%/năm, tính đến nay, ông lớn Thái thu về tổng cộng khoảng 12.000 tỷ đồng cổ tức .
Nắm nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng đầu
Hàng năm, người Thái thâu tóm thêm những doanh nghiệp đứng đầu trong nhiều lĩnh vực. Đây đều là những doanh nghiệp tiềm năng, phần lớn trong lĩnh vực sản xuất có dòng tiền ổn định hoặc là mảng bán lẻ, đầu ra cho sản phẩm.
Sau cái tên nổi tiếng Nhựa Bình Minh, Bao bì Biên Hòa (SVI), Nhựa Ngọc Nghĩa - một doanh nghiệp đầu ngành bao bì cũng đã về tay chủ đầu tư người Thái. Đến nay, TCG Solutions của Thái đang nắm 94% cổ phần SVI. Indorama Venture cũng của Thái nắm khoảng 98% Nhựa Ngọc Nghĩa.
Tại Đại hội thường niên 2023, Ngân hàng SHB cho biết, thương vụ bán công ty tài chính cho người Thái với giá nghìn tỷ đã hoàn tất. SHB đang thực hiện các thủ tục hành chính cuối cùng. Dự kiến trong tháng 5, đối tác sẽ trả 50% giá trị thương vụ.
Trước đó, giới đầu tư chứng kiến, Central Group - tập đoàn thuộc sở hữu của gia đình Chirathivat mua lại 49% cổ phần của đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị điện máy đình đám Nguyễn Kim năm 2015. Sau đó, tỷ lệ sở hữu của tập đoàn nâng lên là 100%. Ngoài ra, tập đoàn Thái còn mua lại chuỗi siêu thị Lan Chi - thương hiệu hoạt động chủ yếu ở các vùng nông thôn Việt Nam.
Central Group thành công thâu tóm Big C Việt Nam từ Tập đoàn Casino (Pháp) trong thương vụ trị giá 1 tỷ USD.
TCC Group - một đại gia Thái khác hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ năm 2016 đã chi ra 655 triệu euro để thâu tóm chuỗi bán sỉ Metro Cash & Carry Việt Nam (nay đổi tên thành MM Mega Market).
Không chỉ các tập đoàn lớn, nhiều quỹ đầu tư lớn của Thái Lan cũng đang đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam như: Kasikorn Asset Management, Principal Vietnam Equity Fund, Bualuang Vietnam Equity Fund, Asset Plus Vietnam Growth RMF Fund, Asset Plus Vietnam Growth Fund… Họ đầu tư vào các cổ phiếu hàng đầu như: VCB, ACB, MWG, FPT, HPG, VRE…
Gần đây, cùng sự phát triển của các sản phẩm hỗ trợ cho thị trường chứng khoán như chứng chỉ lưu ký (DR), các nhà đầu tư cá nhân Thái Lan cũng có thể gián tiếp đầu tư cổ phiếu Việt Nam.
Trên thực tế, việc dòng vốn nước ngoài đổ trực tiếp (FDI) hay gián tiếp (FII) vào một nước như vào Việt Nam đều được chào đón nồng nhiệt. Các doanh nghiệp FDI thậm chí được nhận rất nhiều ưu đãi. Dòng vốn ngoại giúp thực hiện các dự án, xây dựng các nhà máy, xí nghiệp… qua đó tạo ra công ăn việc làm và nâng quy mô nền kinh tế cho nền kinh tế địa phương.
Tuy nhiên, những thương vụ bán vốn cho nước ngoài tại các doanh nghiệp sản xuất đầu ngành khiến nhiều người lo ngại. Nền sản xuất vốn khá yếu của Việt Nam có thể trở nên mong manh hơn.
Với tiềm lực tài chính mạnh, nhiều tập đoàn nước ngoài sẵn sàng bỏ tiền nhiều để nắm giữ các ngành sản xuất cũng như kinh doanh đầy tiềm năng tại Việt Nam như nhựa, năng lượng, bán lẻ, xây dựng, dược phẩm…
Trong khi, nhiều doanh nghiệp FDI lớn mạnh nhanh chóng, các doanh nghiệp trên sàn có vốn nước ngoài chi phối ngày càng nhiều… thì đa phần các doanh nghiệp nội địa vẫn có quy mô rất nhỏ. Nhiều tập đoàn tư nhân lớn trong nước vật lộn với khó khăn trong cả năm qua.
Đây là điều thực sự đáng lo ngại.