Cũng vì lý do đó, tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật vùng Fla-măng, Vương quốc Bỉ (VVOB) đã phối hợp thực hiện với Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) thực hiện dự án Giáo dục mầm non quan tâm đến giới nhằm mục tiêu góp phần giải quyết các vấn đề liên quan đến giới thông qua hình thức học mà chơi trong nhà trường.
Dự án hướng tới việc cung cấp giáo dục toàn diện cho trẻ trai và trẻ gái, tôn trọng sở thích của trẻ bất kể giới tính, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới bằng cách gỡ bỏ các khuôn mẫu về giới, đồng thời khuyến khích sự tham gia của cha mẹ, đặc biệt là người cha trong quá trình giáo dục con ở tuổi mầm non.
Qua 3 năm thực hiện, dự án đã giúp thay đổi nhận thức về giới và nâng cao chất lượng môi trường dạy và học ở các địa phương thực hiện.
Học sinh mầm non được dạy về giới
Cụ thể, dự án đã xây dựng thành công Bộ công cụ Giáo dục mầm non có đáp ứng giới cho giáo viên và cán bộ quản lý của các trường mầm non; xây dựng 15 trường điểm thực hiện mô hình giáo dục mầm non quan tâm đến giới với một lộ trình cụ thể thông qua các khoá tập huấn, khai vấn, tham quan học tập, hội thảo chia sẻ, hội thảo phát triển chuyên môn cho giáo viên…
Ông Wouter Boesman, Giám đốc Chương trình Quốc gia, VVOB, cho biết: “Nếu giáo viên hoặc phụ huynh thể hiện các khuôn mẫu giới và trẻ nhỏ lặp lại những khuôn mẫu ấy thì sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ”.
Cô Trần Thị Tài, giáo viên mầm non ở Quảng Nam cho hay: “Tôi quan sát và nhận thấy trẻ thường theo khuôn mẫu giới do sự tác động của gia đình, xã hội và bản thân giáo viên chưa thực hiện giáo dục có đáp ứng giới.
Khi ứng dụng bộ công cụ học thông qua chơi có đáp ứng giới, chúng tôi đã thay đổi cách tiếp cận, từ cách trang trí trong lớp học cho đến sắp xếp các hoạt động vui chơi trong lớp, để tạo nên không gian cởi mở cho cả bé trai và bé gái.
Trong giao tiếp, chúng tôi cũng sử dụng những từ ngữ trung lập về giới tính để gọi chung các bé trai và bé gái, tránh những từ ngữ mang nghĩa định kiến giới trước đó thường sử dụng. Bên cạnh đó, các hoạt động gắn kết nhà trường và gia đình cũng góp phần quan trọng trong việc thay đổi định kiến về giới”.
Nhà trường và gia đình cũng góp phần quan trọng trong việc thay đổi định kiến về giới
Sau một thời gian tuyên truyền, đã có sự thay đổi đáng kể về kiến thức và thái độ của phụ huynh trong thực hành giáo dục có đáp ứng giới và sự quan trọng của bình đẳng giới. Cụ thể, phụ huynh nam quan tâm nhiều hơn đến việc chăm sóc con cái, tôn trọng sở thích của cả bé trai và bé gái và biết san sẻ công việc nhà cùng các thành viên trong gia đình.
Ở chiều ngược lại, trẻ em cảm thấy hạnh phúc hơn khi nhận được sự quan tâm, chăm sóc của cả ba và mẹ trong học tập và vui chơi. Các bé cũng mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp với các bạn cùng lớp, thể hiện sở thích của bản thân và hào hứng tham gia vào tất cả hoạt động do thầy cô gợi ý.
Với những kết quả tích cực ban đầu, dự án đã được các Sở và Phòng GD-ĐT tại các địa phương tạo môi trường thuận lợi để lan toả đến 153 trường mầm non thuộc 15 huyện tại Quảng Nam và Quảng Ngãi. Hiện phương pháp này cũng được mở rộng triển khai thêm ở Kon Tum.
Thời Vũ
Trẻ mầm non hát ‘địa ngục trần gian’ ở hội thi Bé ngoan
Hai học sinh mầm non hát ca khúc “Thiên đàng” với những câu từ không hợp lứa tuổi trong hội thi bé khỏe, bé ngoan của một trường mầm non tại Đắk Lắk đã gây xôn xao dư luận.