Mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108.

Trong đó có đề cập “giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ôtô dưới 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước”.

{keywords}
 

Cuộc đua giảm giá ôtô nội

Nếu đề xuất này được áp dụng, nhiều khả năng giá thành xe ôtô sản xuất trong nước sẽ giảm đáng kể. Bởi lẽ, theo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, từ 1/1/2018, các mẫu xe du lịch từ 9 chỗ trở xuống có dung tích xy lanh từ 1.500 - 2.000cc hiện đang áp dụng mức thuế 40%,  các mẫu xe có dung tích xy lanh từ 1.500c trở xuống áp dụng mức 35%.

Ngoài ra, ôtô  có dung tích xy lanh từ 2.000 - 2.500cc áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt 50%, dòng xe từ 2.500 -3.000cc áp dụng mức 60% và đặc biệt, các dòng xe có dung tích từ 3000cc trở lên áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt từ 90%-150%.

Như vậy, nếu áp dụng "giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ôtô dưới 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước" thì chắc chắn các dòng xe lắp ráp có dung tích xi lanh từ 2.500cc trở xuống sẽ được giảm giá mạnh.

Hiện tại, các doanh nghiệp lắp ráp như Thaco, Hyundai, Toyota hay Honda chủ yếu lắp ráp các dòng xe có dung tích vừa và nhỏ như: Kia Morning, Hyundai i10, Toyota Vios, Honda City hay Mazda3, Mazda CX-5.

Vì vậy, nếu đề xuất thay đổi giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt của Bộ Tài chính được thông qua, chắc chắn sẽ có một cuộc đua giảm giá ôtô tương tự như thời điểm năm 2017 và đầu 2018 khi thuế tiêu thụ đặc biệt được sửa đổi theo dung tích động cơ xe.

Hiện thực "giấc mơ" nội địa hoá

{keywords}
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long

Nhận định về đề xuất của Bộ Tài chính, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho hay: "Chiến lược phát triển ôtô nội địa đã đặt mục tiêu với tỷ lệ nội địa hoá rất lớn từ giai đoạn 2002 đến 2014 nhưng không có khả năng thực hiện được. Bởi nếu muốn nội địa hoá thì dung lượng thì trường phải lớn thì các nhà sản xuất mới đảm bảo có lãi. Trong bối cảnh như vậy, thì nhà nước cần khuyến khích các nhà sản xuất ôtô".

"Vì vậy, nếu giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần linh kiện sản xuất trong nước thì sẽ có lợi cho các nhà sản xuất với quy mô lớn. Tuy nhiên, điều này sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các nhà sản xuất lớn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì vậy, cần phải hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng tham gia", ông Long cho biết.

Về lo ngại cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới sẽ vi phạm các quy tắc đối xử quốc gia nêu tại Điều III Hiệp định GATT của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ông Long cho rằng: "Với mỗi Hiệp định thương mại, từng điều khoản đều có lộ trình thực hiện, vậy làm sao để cố gắng vượt qua lộ trình đó thì có thể tiến hành và áp dụng với các doanh nghiệp".

(Theo Bizlive)