Tại Việt Nam, các khu bảo tồn biển được thành lập đã góp phần hữu hiệu để bảo vệ nguồn tài nguyên biển, cảnh quan môi trường biển, thúc đẩy phát triển thương hiệu biển, cũng như phát triển kinh tế biển bền vững. 

Tuy nhiên, các khu bảo tồn biển cũng gặp rất nhiều thách thức khi ảnh hưởng trực tiếp đến một bộ phận ngư dân hoạt động khai thác gần bờ và áp lực phát triển kinh tế đặc biệt là hoạt động du lịch tại địa phương. Chính vì vậy, phải ưu tiên giải quyết bài toán sinh kế cho ngư dân đánh bắt ven bờ, bởi đây là yếu tố tiên quyết để các Khu bảo tồn biển được thực hiện thành công.

{keywords}
San hô phát triển mạnh trong khu vực được bảo tồn

 

Theo thống kê của Vụ bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản, hiện chỉ có 0,17% tổng diện tích biển (1 triệu cây số vuông) đã được đặt mục tiêu bảo tồn nghiêm ngặt, dự kiến tăng 0,24% trong những năm tới. Hầu như không có khu vực nào trong các khu bảo tồn biển đã được công bố giới hạn khai thác.

Các khu bảo tồn biển ở Việt Nam đang phải đối mặt với những mối đe dọa nghiêm trọng về ô nhiễm, động đất, hoạt động nổ mìn và đánh bắt cá, xây dựng cơ sở hạ tầng cho du lịch.

Ông Trần Lê Nguyên Hùng – Phó vụ trưởng phụ trách Vụ bao tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản-Tổng cục thủy sản cho biết: ở các khu bảo tồn biển, hoạt động nổ mìn và đánh bắt cá quá mức vẫn diễn ra; trong khi việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho các dịch vụ du lịch cũng tăng lên. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và đa dạng sinh học ở các khu bảo tồn biển.

Bảo tồn biển ở Việt Nam được xác lập bắt đầu từ khi có Luật Thủy sản (2003) và được cụ thể hóa bằng Nghị định số 57/2008/NĐ-CP ban hành Quy chế quản lý các Khu bảo tồn biển có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế. Đến thời điểm này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập được mạng lưới 10/16 KBTB trải dài từ Bắc xuống Nam.

{keywords}
Phát triển kinh tế và bảo tồn có quan hệ tương tác với nhau

 

Quan hệ tương tác giữa bảo tồn và phát triển

Theo ông Thái Thanh Lâm, phó phòng nguồn lợi tỉnh Kiên Giang thì, người dân là đối tượng hưởng lợi trực tiếp và lâu dài từ khu bảo tồn biển. Tuy nhiên, hiện người dân chưa hiểu hết những giá trị mà khu bảo tồn biển mang lại, trong khi điều họ thấy được trước mắt là nguồn sống của gia đình đang bị "đe dọa". Do vậy, cần phải ưu tiên giải quyết "bài toán" sinh kế cho ngư dân đánh bắt ven bờ, bởi đây là yếu tố tiên quyết để Khu bảo tồn biển được thực hiện thành công.

Bà Nguyễn Thị Thu Huệ, Giám đốc Trung tâm bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng cho rằng: cần thay đổi nhận thức không chỉ những ngư dân mà của cả cộng đồng và các ban ngành liên quan. Bên cạnh đó phải tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương, người dân để nâng cao hiệu quả quản lý các khu bảo tồn biển.

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT) nhấn mạnh, phát triển kinh tế và bảo tồn có quan hệ tương tác với nhau, phát triển kinh tế bền vững, đúng hướng là nguồn lực để thực hiện bảo tồn, ngược lại bảo tồn sẽ giúp làm kinh tế hiệu quả. NAếu làm tốt được điều này thì chúng ta sẽ có một mô hình giải quyết được bài toán hài hòa giữa phát triển và bảo tồn.

Để các khu Bảo tồn biển phát triển bền vững, bên cạnh việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên môn sâu về lĩnh vực biển đảo; lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển và phân vùng sử dụng biển đi đôi với rà soát, điều chỉnh quy hoạch các khu bảo tồn, cần phải chú trọng phát huy vai trò của cộng đồng dân cư tham gia đắc lực vào việc xây dựng và quản lý các khu bảo tồn biển hiện có.

Trong đó, nên nhân rộng mô hình quản lý cộng đồng do cộng đồng dân cư địa phương, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia xây dựng và quản lý khu bảo tồn biển, để khai thác, sử dụng các khu bảo tồn biển có hiệu quả, tạo sinh kế cho cộng đồng dân cư, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Do điều kiện nguồn lực trong nước còn hạn chế, nên tăng cường và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về bảo tồn biển, nhằm thu hút vốn đầu tư, tạo nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ hiện đại, phương pháp quản lý của các nước để phục vụ quản lý các khu bảo tồn biển Việt Nam.

Thanh Lê - Diệu Thúy