Mới đây, một công ty địa ốc đã chào bán dự án tại TP.Thủ Đức (TP.HCM). Đáng chú ý, dự án này có mức giá chỉ dành cho giới siêu giàu bởi các sản phẩm BĐS có giá khoảng vài trăm tỷ đồng/căn. Cụ thể hơn, dự án có tầm nhìn sông phong thủy, được “may đo” dành riêng cho cộng đồng siêu giàu và chủ nhân có gu thưởng lãm nghệ thuật. Về mặt tiện ích, 100% dinh thự trong dự án có hồ bơi riêng, tầm nhìn hồ và chỗ neo đậu du thuyền trước cửa nhà.
Đối với kết nối giao thông, dự án giới thiệu, cư dân chỉ mất chừng 20-30 phút để di chuyển vào trung tâm TP.HCM. Dẫu vậy, thực tế kết nối giao thông của dự án tới khu trung tâm, đơn cử như Quận 1 sẽ cần phải cải thiện rất nhiều mới có thể đạt được khoảng thời gian trên. Bởi, ứng dụng Google map đang tính toán quãng đường từ dự án siêu sang này tới trung tâm TP là khoảng 23km, xe ô tô con sẽ cần phải di chuyển mất tầm 45 phút.
Hiện, siêu dự án này có duy nhất 118 căn chào bán và được chia làm 3 phân khu.
Phân khu 1, có 65 căn với diện tích đất 560m2 – 773m2; thiết kế gồm tầng hầm + trệt + 2 tầng với 4 phòng ngủ. Mức giá đưa ra 180 – 250 tỷ/căn.
Phân khu 2, có 30 căn với diện tích đất 745m2 – 1.165m2, thiết kế gồm tầng hầm + tầng trệt + 2 tầng và gồm 5 phòng ngủ. Mức giá 300 – 500 tỷ/căn.
Phân khu 3 nằm sát sông, có 23 căn, diện tích đất: 1.000 m2 – 1.228m2, thiết kế gồm tầng hầm + trệt + 2 tầng với 6 phòng ngủ. Giá bán 500 – 700 tỷ/căn.
Tại một hội thảo về thị trường BĐS diễn ra vào cuối tháng 6, ông Võ Huỳnh Tấn Kiệt - Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam nhận định, mức giá BĐS trên thị trường đang trong xu hướng tăng cao. Hiện, thị trường TP.HCM không có căn hộ bình dân và trung cấp, nếu có chỉ nằm ở xa trung tâm. Nguồn cung chủ yếu đến từ các dự án cao cấp và hạng sang. Chính sự xuất hiện của các dự án này đã đẩy giá bán căn hộ ở đô thị này tăng vọt.
Với phân khúc nhà liền thổ, giá tăng mạnh khi các dự án mới xác lập mức giá kỷ lục. Giá loại hình nhà phố và biệt thự tăng gần tương đương nhà phố thương mại nhờ nguồn cung mới giá cao. Nguồn cung sơ cấp có mức giá phải chăng ngày càng khan hiếm. Nhu cầu nhà đầu tư ở phân khúc này lớn trong khi số lượng sản phẩm có giới hạn đã đẩy giá bán nhà liền thổ tăng.
“Giá sản phẩm được chào bán ở mức rất cao, trung bình 200-400 triệu đồng/m2, có những sản phẩm biệt thự lên đến 700 tỷ đồng/căn, tạo ra mức giá mới trên thị trường biệt thự thành phố”, ông Kiệt dẫn chứng.
Đà tăng giá bất động sản khó dừng lại
Tương tự, trong báo cáo thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM và vùng phụ cận 6 tháng đầu năm 2022, DKRA Việt Nam cho biết, giá bán sơ cấp ngày càng tăng, thị trường TP.HCM thiết lập mặt bằng giá mới với mức giá bán lên đến 700 tỷ đồng/căn. Đồng Nai ghi nhận giá bán cao nhất lên đến 107 tỷ đồng/căn.
Nguồn cung mới nhà phố/biệt thự khu vực TP.HCM và các tỉnh giáp ranh có sự sụt giảm và phân bổ không đồng đều. Trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường đón nhận 3.142 căn nhà phố/biệt thự đến từ 29 dự án, bằng 55% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 64% tương đương 2.007 căn, bằng 88% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn cung mới có xu hướng dịch chuyển về khu vực vệ tinh như Đồng Nai, Long An...
Còn trong báo cáo thị trường bất động sản quý II/2022, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, nhu cầu BĐS, đặc biệt là BĐS nhà ở đang không ngừng tăng. Động lực chính của việc này đến từ cơ cấu dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ. Trong khi, nguồn cung BĐS từ trước đến nay chưa đáp ứng được tốc độ tăng trưởng nhu cầu, do những ách tắc trong các thủ tục cấp phép dự án... Trong quý II/2022, thị trường nhà đất TP.HCM chứng kiến mức tăng giá mạnh từ 5-10% chỉ trong vòng một tháng.
Các chuyên gia của DKRA dự báo, trong thời gian sắp tới, đà tăng giá BĐS ở thị trường sơ cấp sẽ khó có thể dừng lại trong bối cảnh chi phí đầu vào liên tục leo thang, nguồn cung mới khan hiếm trong khi đó nhu cầu đầu tư còn rất lớn. Do đó, giải pháp để kiểm soát tốc độ tăng giá BĐS trên thị trường sơ cấp, cũng như duy trì giá bán thứ cấp ở mức ổn định là chú trọng ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và lãi suất ở mức phù hợp. Tích cực tháo gỡ các vướng mắc pháp lý để rút ngắn thời gian cấp phép dự án, góp phần khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn cung. Song song đó, tăng cường sự quản lý của các cơ quan nhà nước, minh bạch hóa thông tin quy hoạch, thông tin thị trường… nhằm hạn chế xảy ra tình trạng “sốt đất ảo”.
Đối với khách hàng và nhà đầu tư, cần xác định chiến lược đầu tư trung và dài hạn, tránh sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn để sẵn sàng tâm thế cho sự biến động về giá lẫn thanh khoản thị trường. Giai đoạn này có thể mở ra cho khách hàng có tiềm lực tài chính nhiều cơ hội sở hữu dự án có vị trí đẹp, giá bán hợp lý,... Do đó, để đảm bảo giá trị sinh lời bền vững, khách hàng nên thận trọng lựa chọn dự án của những chủ đầu tư uy tín, được phát triển bởi các thương hiệu quốc tế, tránh tâm lý đầu tư theo đám đông.