Như vậy, 9 giáo viên trong top 10 sẽ nhận được hơn 55.000 USD mỗi người. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 6 năm của giải thưởng này, người chiến thắng đã chia tiền thưởng với những đồng nghiệp vào vòng chung cuộc.
Thầy giáo Ranjitsinh Disale được vinh danh tại Giải thưởng giáo viên toàn cầu năm 2020.
Thầy Ranjitsinh Disale là một giáo viên tiểu học ở Ấn Độ. Năm 2009, khi đến làm việc tại Trường Tiểu học Zilla Parishad (bang Maharashtra), anh vô cùng bất ngờ khi biết tỉ lệ đi học của các trẻ em nữ tại đây thấp hơn 2% và hầu hết đều kết hôn ở tuổi vị thành niên.
Ngoài ra, chương trình giảng dạy không phải bằng ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Kannada khiến nhiều học sinh không thể học được. Trước thực tế đó, thầy Ranjitsinh quyết tâm “xoay chuyển tình thế” bằng cách chuyển đến ở tại ngôi làng và nỗ lực tự học tiếng địa phương.
Thầy Ranjitsinh sau đó không chỉ dịch sách giáo khoa sang tiếng mẹ đẻ của học trò mà còn mã hóa QR các bài thơ, video bài giảng, truyện và bài tập bằng tiếng Kannada để học sinh dễ học và có thể học ngay cả khi trường bị đóng cửa.
Những việc làm của Ranjitsinh đã đem lại những hiệu quả “phi thường”. Tính đến thời điểm hiện tại, trong làng không còn em nào kết hôn ở tuổi vị thành niên; 100% nữ sinh được đi tới trường.
Gần đây, trường cũng được trao giải thưởng ngôi trường có thành tích tốt nhất trong huyện với 85% học sinh đạt điểm A trong các kỳ thi hàng năm. Ngôi làng nay cũng đã có một nữ sinh tốt nghiệp đại học. Đây được xem là một giấc mơ không tưởng trước khi Ranjitsinh đến.
Thầy Ranjitsinh sau đó còn tiếp tục tạo ra một cuộc cách mạng trong việc sử dụng sách giáo khoa được mã hóa QR trên khắp Ấn Độ. Trường của anh cũng là ngôi trường đầu tiên ở bang Maharashtra thí điểm thành công mô hình này. Sách giáo khoa mã hóa QR của Ranjitsinh đã được giới thiệu trên toàn bang cho tất cả các lớp từ 1-12.
Ngoài giờ học, thầy Ranjitsinh còn giúp học sinh của mình học cách giải quyết các vấn đề trong thực tế mà họ đang phải đối mặt. Với ngôi trường ở một quận bị hạn hán của Maharashtra, học trò đã giải quyết thành công vấn đề sa mạc hóa, tăng diện tích phủ xanh từ 25% lên 33% trong 10 năm qua. Tổng cộng, 250 ha đất xung quanh làng đã được cứu khỏi sa mạc hóa, giúp ngôi trường của Ranjitsinh đoạt một giải thưởng lớn vào năm 2018.
Thầy Ranjitsinh cũng rất tâm huyết với việc kết nối những người trẻ tuổi giữa các vùng xung đột với nhau. Dự án “Hãy vượt qua biên giới” của thầy Ranjitsinh đã kết nối những người trẻ tuổi từ Ấn Độ và Pakistan, Palestine và Israel, Iraq và Iran, Mỹ và Triều Tiên.
Trong một chương trình kéo dài 6 tuần, học sinh được kết hợp với một người bạn đến từ quốc gia khác để chuẩn bị các bài thuyết trình và lắng nghe các diễn giả, khách mời chia sẻ.
Cho đến nay, thầy Ranjitsinh đã kết nối được 19.000 sinh viên đến từ 8 quốc gia tham gia chương trình này. Xa hơn nữa, thầy Ranjitsinh dự định sẽ dành những ngày cuối tuần để đưa học sinh đến từ các trường học ở những nơi có nguồn tài nguyên cạn kiệt đi tham quan thông qua công nghệ thực tế ảo.
Thầy Ranjitsinh cũng đã dạy cho hơn 85.000 học sinh tại 1.400 lớp học ở 83 quốc gia khác nhau trên thế giới thông qua những bài học ảo này. Nhưng thầy Ranjitsinh cho biết bản thân sẽ không dừng lại ở đó. Thầy giáo Ấn Độ mong muốn sẽ tiếp tục được lan tỏa những giá trị tới nhiều giáo viên khác trên khắp thế giới.
Trong top 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu năm nay, cô giáo Hà Ánh Phượng của Việt Nam cũng lọt vào danh sách này. Đây là giáo viên Việt Nam duy nhất đạt giải thưởng này tính đến thời điểm hiện tại.
Thời Vũ (Theo Global Teacher Prize)
Cô giáo Mường 'từ vườn chuối' vào top 10 xuất sắc thế giới
Cô giáo Hà Ánh Phượng, người từng “gây bão” với câu chuyện “từ vườn chuối tôi nhìn ra thế giới” tiếp tục lọt top 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu và trở thành người Việt Nam duy nhất đạt giải thưởng này tính đến thời điểm hiện tại.