Song song với việc phát triển sự nghiệp, lập gia đình, đi sâu vào cuộc đời, chúng ta phải nhớ cuộc đời là tập hợp của những điều như ý và bất như ý.
Bản thân những biến động xảy ra từ điều bất như ý không tạo ra đau khổ. Chỉ khi chúng ta không thể chấp nhận, không muốn chấp nhận, chúng ta phản ứng chống trả mà không loại trừ nó được thì đau khổ mới xuất hiện.
Đau khổ thuộc về bên trong cách chúng ta ứng xử, giải quyết vấn đề, cách chúng ta giải quyết nỗi khổ niềm đau để quyết định có đau khổ hay không, sẽ đau khổ ít hay đau khổ nhiều.
Chính nội lực của chúng ta, sức chịu đựng của chúng ta trước làn tên mũi đạn của cuộc đời sẽ quyết định chúng ta có đau khổ hay không.
Sở dĩ chúng ta đau khổ quá nhiều, quá lâu, quá sâu đến mức thương tổn là vì chúng ta cứ chăm bẵm vào nó, mắc kẹt vào nó, đồng nhất với nó. Chúng ta tưởng rằng cuộc đời mình chỉ có đau khổ thôi mà quên đi tất cả các điều kiện của hạnh phúc.
Một trong những cách thoát đau khổ là hãy cố gắng quay về kết nối với một con người rất hồn nhiên trong chính mình. Bạn không cần phải giải quyết những khó khăn ngay từ bây giờ. Bạn không cần làm cho mình hết đau khổ ngay bây giờ mà hãy cố gắng để nó qua một bên.
Khổ đau đôi khi không vô nghĩa hoàn toàn. Đôi khi nó là tiếng chuông cảnh báo để chúng ta nhận ra rằng đã từng có điều kiện hạnh phúc và trong hiện tại chúng ta cũng còn có rất nhiều điều kiện hạnh phúc.
Khổ đau đánh thức chúng ta, cho chúng biết rằng hãy quay về trân quý điều kiện hạnh phúc đi để ngày mai không phải hối tiếc.
Khi đã quán chiếu về khổ đau, nhìn trực diện vào khổ đau chúng ta biết khổ đau là một phần tất yếu của cuộc sống.
Chúng ta có thể giảm thiểu được khổ đau bằng cách xây dựng nội lực thường quay về với chính mình để chăm sóc khu vườn của tâm hồn. Chúng ta bớt lao ra bên ngoài mân mê những điều kiện thuận lợi và bớt phản ứng với những điều bất như ý xảy ra mỗi ngày.
Chúng ta phải nhớ nhờ có nghịch duyên ta mới tìm tới đạo, tìm đến con đường tu luyện, ta mới quay vào bên trong của chúng ta. Nhờ mộng mị hôm nào ta mới tìm về tỉnh thức.
Thế nên ta không được chê trách khổ đau. Chúng ta cũng không được lên án, trừng phạt chính con người yếu kém của mình.
Chúng ta phải tập chấp nhận và trân quý cả những yếu kém, thương đau và những điều hay, điều tuyệt vời trong chính mình. Cuộc đời cũng vậy, chúng ta cũng phải tập trân quý những điều thuận lợi và cả những nghịch duyên.
Bởi, nếu không có những nghịch duyên, chúng ta chắc chắn sẽ tầm thường mãi mãi. Muốn trở nên phi thường thì khổ đau phải càng nhiều cũng như việc phải có thật nhiều bùn thì hoa sen mới trở nên rực rỡ.
Trích từ buổi pháp thoại: Không bùn thì cũng không sen - Thầy Minh Niệm