Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, đoàn tàu chở ông Kim đã khởi hành từ Bình Nhưỡng chiều 23/2, chạy khoảng 66 tiếng đồng hồ đồng hồ qua nhiều thành phố Trung Quốc như Thiên Tân, Vũ Hán, Nam Ninh và Bằng Tường trước khi vượt qua biên giới đến ga Đồng Đăng, Lạng Sơn. Từ đây, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã đi xe limousine về Hà Nội để chuẩn bị dự hội nghị thượng đỉnh lần hai với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Đoàn tàu đưa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đến Việt Nam lúc rời khỏi ga Đồng Đăng, Lạng Sơn. Ảnh: Reuters |
"Đoàn tàu đặc biệt mà Chủ tịch Kim đã sử dụng được nhìn thấy đang di chuyển từ Bằng Tường về hướng Nam Ninh", một nguồn của Yonhap ở Bắc Kinh cho hay.
Theo một số nhà quan sát, đoàn tàu của nhà lãnh đạo Triều Tiên dường như được đưa về phía bắc để bảo trì, có thể nhằm chuẩn bị cho chuyến hồi hương của ông sau chuyến công du Việt Nam.
Một số khác nhận định, đoàn tàu có thể đỗ lại đâu đó ở Trung Quốc, chẳng hạn như Bắc Kinh hoặc Quảng Châu để đợi ông Kim đáp chuyến bay từ Việt Nam tới. Hiện cũng có đồn đoán về việc nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ chỉ sử dụng máy bay để trở về Bình Nhưỡng sau khi gặp ông Trump và thăm chính thức Việt Nam.
Các tin tức đáng chú ý khác trong ngày:
- Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 26/2 đã tới Hà Nội để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa họ. Theo lịch trình do Nhà Trắng tiết lộ, hai nhà lãnh đạo sẽ khởi động sự kiện kéo dài hai ngày bằng một cuộc trò chuyện riêng và một "bữa tối xã giao" vào ngày 27/2.
- Theo hãng thông tấn Yonhap, ông Trump và ông Kim có thể sẽ gặp nhau ít nhất 5 lần tại Hà Nội trong thời gian diễn ra thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai. Hai nguyên thủ được tin có thể tổ chức một cuộc họp báo chung nếu đạt thỏa thuận như mong muốn.
- Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bày tỏ hy vọng, hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un sẽ đạt được một “bước tiến mới” hướng tới phi hạt nhân hóa và hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.
- Thủ tướng Anh Theresa May đề xuất, nếu Quốc hội nước này không phê chuẩn thỏa thuận Brexit (Anh rời liên minh châu Âu) của bà vào tháng 3 năm nay, các nhà lập pháp sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu mới trong vòng 2 tuần sau đó nhằm quyết định liệu có nên trì hoãn Brexit hay tiếp tục "ly hôn" EU mà không có bất kỳ thỏa thuận nào.
- Phát biểu tại Đại hội Di động thế giới ở Barcelona, Tây Ban Nha, ông Quách Bình, Chủ tịch Tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei khẳng định, việc Mỹ cáo buộc các thiết bị 5G của họ được dùng để do thám cho Bắc Kinh là "vô căn cứ".
- Ấn Độ ngày 26/2 thử thành công tên lửa đất đối không phản ứng nhanh (QRSAM) do tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng DRDO chế tạo, tại một căn cứ ngoài khơi bang Odisha. Động thái diễn ra chỉ vài giờ sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Vijay Gokhale xác nhận, các máy bay chiến đấu của nước này đã tiến hành không kích một trại huấn luyện khủng bố ở vùng biên Kashmir đang tranh chấp với Pakistan. Tuy nhiên, phía Pakistan lên án Không quân Ấn Độ đã xâm phạm không phận nước này.
- Trưởng công tố Ukraina Yuriy Lutsenko cáo buộc, Vladimir Zaman, cựu Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang là người phải chịu trách nhiệm cho việc Kiev để mất bán đảo Crưm vào tay Nga. Theo ông Lutsenko, khi còn đương chức, ông Zaman đã ra một chỉ thị buộc Tư lệnh Hải quân Yury Ilyin phải tuân theo, khiến đơn vị thuộc nhóm chiến thuật Crưm mất tinh thần chiến đấu.
- Hãng tin Al Masdar dẫn lời một quan chức tình báo cấp cao Iraq nhận định, Abu Bakr Al-Baghdadi, thủ lĩnh tối cao của nhóm khủng bô Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể đang ẩn náu trong hang ổ cuối cùng của chúng ở khu vực thung lũng sông Euphrates ở Syria.
Tuấn Anh