Thế Giới Di Động khởi đầu bằng lĩnh vực bán điện thoại vào năm 2004, gần hai thập kỷ sau, lần lượt vượt qua những tên tuổi kỳ cựu để trở thành nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam. Thế Giới Di Động chạm ngưỡng 5 tỷ USD doanh thu với hơn 5.000 cửa hàng trên toàn quốc. Mới đây, lãnh đạo tập đoàn tiếp tục cho thấy tham vọng chinh phục những đỉnh cao mới khi một lúc trình làng 5 chuỗi mới, đặt mục tiêu trở thành nhà bán lẻ đa ngành, hàng đầu khu vực.
Từ những bước chập chững đến tăng trưởng ngoạn mục
Thế Giới Di Động bắt đầu trong bối cảnh sơ khai của thị trường điện thoại Việt, sau những bước chập chững đầu tiên, đến nay Thế Giới Di Động đã tăng trưởng ngoạn mục khi sở hữu hơn 1.000 cửa hàng bán điện thoại trên toàn quốc, với thị phần hơn 50% vào năm 2020.
Sự thành công của Thế Giới Di Động góp phần mở ra kỷ nguyên mới cho thị trường bán lẻ điện thoại tại Việt Nam |
Khác với mảng kinh doanh đầu tiên là thị trường điện thoại sơ khai, điện máy là lĩnh vực có sự cạnh tranh, đào thải khắc nghiệt. Thế Giới Di Động bước vào thị trường từ năm 2010 với chuỗi cửa hàng Điện máy Xanh có quy mô khiêm tốn. Chỉ với 30 cửa hàng trong 5 năm đầu (2010 - 2015), hệ thống này đã có bước chuyển mình thần tốc từ 4 năm về sau (2015 - 2019) với số cửa hàng tăng gấp 33 lần.
Tính đến thời điểm cuối 2021, Điện máy Xanh đã sở hữu hơn 2.000 điểm bán tại hầu hết các tỉnh thành và trục đường lớn, đều đặn mang về doanh thu trung bình 10 tỷ đồng/tháng cho các cửa hàng quy mô lớn và 4 tỷ đồng/tháng với cửa hàng có diện tích nhỏ hơn.
Hiện nay, theo ông Đoàn Văn Hiểu Em CEO của chuỗi khẳng định Điện máy Xanh chiếm 60% thị phần và đã “hoàn thành sứ mệnh” phụng sự người tiêu dùng, đem đến những sản phẩm tốt với nguồn gốc rõ ràng, góp phần nâng cao chất lượng sống của nhiều gia đình Việt Nam.
Bước ngoặt bất ngờ
Nếu như nỗ lực tham gia thị trường điện máy được đánh giá là có phần mạo hiểm thì việc một bước sang ngang bán lẻ tạp hoá, thực phẩm của Thế Giới Di Động lại khiến không ít nhà đầu tư bất ngờ.
Ở lĩnh vực mới, cỗ máy Thế Giới Di Động đã vận hành 200% công suất trong suốt hơn 5 năm qua, để đưa Bách hoá Xanh từ con số 0 thành một trong ba đơn vị bán lẻ tạp hoá lớn nhất Việt Nam, mang về doanh thu hàng năm xấp xỉ 30.000 tỷ đồng. Đại diện Thế Giới Di Động khẳng định, giấc mơ mang ngành bán lẻ về tay người Việt đang đi đúng lộ trình.
Viết tiếp những giấc mơ
“20 năm tới, Thế Giới Di Động sẽ là một đế chế bán lẻ. Chúng tôi không chỉ ngồi đây mà còn đi ra thế giới” - đây là tham vọng mà ông Nguyễn Đức Tài Chủ tịch MWG từng chia sẻ. Thế nhưng, chẳng cần tới 20 năm, các “kiến trúc sư” tại Thế Giới Di Động đã và đang bắt tay vào kiến tạo nên một “đế chế” như thế ngay thời điểm hiện tại.
Sau khi doanh thu vẫn tăng trưởng hơn 1 tỷ USD bất chấp những tác động từ đại dịch, Thế Giới Di Động cùng lúc ra mắt 5 chuỗi mới: AVASport (đồ thể thao), AVAFashion (thời trang), AVAKids (mẹ và bé), AVAJi (trang sức) và chuỗi AVACycle (xe đạp). Chính thức từ một đơn vị bán lẻ đồ công nghệ chuyển sang “bán cả thế giới”, trở thành một công ty bán lẻ đa ngành - điểm chạm cho mọi nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
Trong đó, nhiều ngành hàng hứa hẹn mang về nguồn doanh thu khả quan như thị trường mẹ và bé có quy mô 7 tỷ USD, thời trang 5-6 tỷ USD, đồ thể thao ước tính mỗi năm có thể đạt 80.000 tỷ đồng doanh thu hay thị trường xe đạp được định giá 5.000 tỷ đồng. Có thể thấy, các lĩnh vực này dù có nhiều đối thủ song vẫn đang phân mảnh, chưa thực sự có doanh nghiệp dẫn dắt đầu ngành.
Nếu làm tốt, Thế Giới Di Động có thể tạo ra chu kỳ siêu tăng trưởng tiếp theo cho công ty trong vài năm tới. Sự nhập cuộc của nhà bán lẻ với tiềm lực tài chính, kinh nghiệm mở chuỗi 18 năm qua cùng đội ngũ trẻ sẵn sàng thử thách cũng hứa hẹn mang lại thay đổi cho cục diện bán lẻ chung.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO của Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động không ngần ngại bày tỏ tham vọng những chuỗi này sẽ là những cái tên giúp hiện thực hóa giấc mơ thứ 4 của nhà bán lẻ.
Mặc dù khẳng định các chuỗi mới vẫn đang ở trong giai đoạn thử nghiệm và sẽ cần thêm thời gian để đo tín hiệu thị trường, tuy nhiên CEO Hiểu Em khẳng định để thành công không thể không mơ những giấc mơ lớn và phải bằng mọi cách bắt tay vào làm để hiện thực hóa giấc mơ đó.
Ngọc Minh