Chuỗi bán lẻ của FPT đánh giá dịch Covid-19 kéo dài ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Người lao động, học sinh phải học tập và làm việc tại nhà, doanh nghiệp và trường học cần đổi mới quy trình làm việc, giảng dạy để thích nghi.
Do đó, nhu cầu sử dụng các sản phẩm công nghệ như điện thoại, laptop, máy tính bảng… hiện rất cao. Vì thế chuỗi này nhảy vào cung cấp hàng số lượng lớn cho khối doanh nghiệp, trường học với mức giá sỉ.
Một đợt mở bán iPhone tại FPT Shop. (Ảnh: Hải Đăng) |
Nhà bán lẻ này cam kết giá sỉ “tốt nhất thị trường”, hỗ trợ trả chậm, bảo hành sản phẩm tại hơn 630 cửa hàng trên 63 tỉnh thành.
Thế Giới Di Động và FPT Shop hiện là hai chuỗi dẫn đầu thị phần bán lẻ điện thoại di động tại Việt Nam. Đây là hai hệ thống bán lẻ duy nhất được nhập hàng trực tiếp từ Apple, trong khi các nhà bán lẻ khác phải mua thông qua trung gian.
Do có mức tiêu thụ lớn, hai chuỗi này thường có mức giá mua vào thấp hơn các nhà bán lẻ khác. Vì thế, hai ông lớn hoàn toàn có thể nhảy vào mảng bán sỉ.
Giữa tháng trước, Thế Giới Di Động công bố hình thức bán hàng cộng tác viên. Trong mô hình này, các cửa hàng nhỏ lẻ ở vùng sâu, vùng xa có thể đăng ký bán hàng cho Thế Giới Di Động để hưởng chiết khấu. Việc lưu kho và giao hàng sẽ do chuỗi này thực hiện.
Dù cùng là mô hình bán hàng số lượng lớn nhưng Thế Giới Di Động nhắm vào các đại lý nhỏ lẻ, trong khi FPT Shop nhắm vào khách hàng doanh nghiệp, tổ chức.
Thế Giới Di Động muốn bắt tay với khoảng 30 ngàn cửa hàng nhỏ lẻ toàn quốc, biến họ thành cánh tay nối dài. Trong khi FPT Shop muốn cung cấp hàng cho khối doanh nghiệp, trường học, bệnh viện,... Nếu tính số lượng hàng trăm ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ và các tổ chức trên cả nước, thị trường này rất màu mỡ.
Đây không phải lần đầu FPT Shop nhảy vào mảng doanh nghiệp. Trước đây chuỗi có mô hình F.Friends - ký kết giữa FPT Shop và doanh nghiệp để nhân viên công ty có thể mua hàng trả góp, trừ vào tiền lương mỗi tháng.
Nhà bán lẻ này đã hoàn thành nhiều đơn hàng cho hơn 1.000 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau: ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, nhà nước, giáo dục, bán lẻ…
Việc các chuỗi bán lẻ lớn nhảy vào bán sỉ không mới. Khá nhiều chuỗi điện máy trước đây do nhập nguồn hàng số lượng lớn nên có giá nhập tốt, đã bán ra ngoài cho các cửa hàng nhỏ hơn. Động thái này vừa giúp các ông lớn bảo đảm mua số lượng lớn từ hãng, còn những đại lý nhỏ có thêm nguồn nhập hàng.
Hoặc trong đợt thanh lý hàng tồn của các chuỗi lớn, giá cả sẽ giảm xuống nhiều, các cửa hàng nhỏ lẻ cũng cử người đến mua. Điều này khiến một số bên hạn chế số lượng mua để bảo đảm hàng hoá tới tay người dùng cuối, thay vì vào kho của những bên mua đi bán lại.
Ngành điện thoại, điện tử tại Việt Nam ghi nhận nhu cầu giảm sút kể từ vài năm nay, đặc biệt nhu cầu giảm hơn từ khi dịch bùng phát. Hệ quả là các nhà bán lẻ lớn buộc phải tìm một số hướng kinh doanh mới. Trong đó, bán sỉ là kênh hiệu quả vì có thể tiêu thụ khối lượng hàng hoá lớn trong một thời điểm.
Hải Đăng
Thế Giới Di Động muốn bắt tay với 30.000 cửa hàng toàn quốc
Nhà bán lẻ số 1 Việt Nam muốn cộng tác với hàng chục ngàn cửa hàng trên toàn quốc, thuyết phục họ trở thành đại lý bán hàng của chuỗi này.