Giá dầu thế giới ngày 15/8 giảm mạnh. Giá 2 loại dầu phổ biến trên thế giới là dầu thô Brent và dầu WTI lao dốc mạnh, giảm tới gần 5% so với ngày hôm qua. Giá dầu WTI đã mất mốc 90 USD/thùng.
Cụ thể, theo dữ liệu từ Oilprice, vào lúc 18h20' ngày 15/8 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 10 được giao dịch ở mức 93,34 USD/thùng, giảm 4,81 USD, tương đương 4,9% so với ngày hôm qua. Cùng thời điểm, giá dầu WTI giao tháng 9 được giao dịch ở mức 87,56 USD/thùng, giảm 4,53 USD, tương đương 4,92% so với hôm qua.
Vào cuối tuần trước, giá dầu thế giới cũng đã giảm tới 2%. Nguyên nhân khiến giá dầu thế giới giảm là do dầu Nga vẫn đang xuất khẩu ổn định. Sản lượng dầu của Nga được dự báo sẽ tăng lên mức 500.000 thùng/ngày nếu EU nới lỏng lệnh cấm vận với dầu thô của Nga.
Ngoài ra, việc Trung Quốc vẫn thực hiện nghiêm ngặt chính sách zero-Covid khiến nhu cầu tiêu thụ dầu giảm.
Giá dầu thế giới ngày 15/8 giảm mạnh sau khi xuất hiện số liệu của chính phủ Trung Quốc cho thấy kinh tế nước này bất ngờ giảm tốc trong tháng 7. Sản lượng lọc dầu của nước này giảm xuống 12,53 triệu thùng/ngày - mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020. Điều này cho thấy nhu cầu dầu của Trung Quốc đang suy giảm.
Trong khi đó, giá xăng thành phẩm trên thị trường Singapore lại có xu hướng tăng lên. Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương, nếu giá xăng nhập từ Singapore tính đến ngày 10/8 giảm về mức 107,77 USD/thùng thì ngày 12/8, giá xăng A95 nhập từ Singapore đã tăng lên 113,6 USD/thùng.
Mức giá này tương đương với thời điểm giữa tháng 7, khi đó giá xăng trong nước là 29.675 đồng/lít. Nếu trừ đi thuế bảo vệ môi trường là 3.300 đồng thì giá xăng nhập hiện ở mức 26.375 đồng/lít.
Giá xăng nhập là cơ sở để tính giá xăng trong nước. Nhiều người lo ngại mức giá xăng nhập tăng trở lại có thể khiến giá xăng trong nước tại kỳ điều hành tới (ngày 21/8) có thể quay đầu tăng giá.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo một số doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu, nếu giá dầu thế giới tiếp tục lao dốc, giá xăng nhập hạ nhiệt hoặc đi ngang trong những ngày tới thì giá xăng, dầu trong nước vào kỳ điều hành ngày 21/8 vẫn có cơ hội tiếp tục giảm. Nhưng mức giảm cụ thể thế nào còn phụ thuộc vào biến động giá xăng, dầu thế giới trong một vài ngày tới cũng như mức trích, chi Quỹ Bình ổn xăng dầu của cơ quan điều hành.
Tại kỳ điều hành ngày 11/8, giá xăng RON95 giảm 940 đồng/lít, giá bán còn 24.660 đồng/lít; xăng E5 giảm 900 đồng/lít, giá bán là 23.720 đồng/lít. Tương tự, giá dầu diesel 0.05S-II giảm 1.000 đồng/lít, giá bán còn 22.900 đồng/lít; dầu hỏa giảm 1.210 đồng/lít, giá sau điều chỉnh là 23.320 đồng/lít. Riêng dầu mazut giữ mức nguyên giá là 16.540 đồng/kg.
Cũng trong kỳ điều chỉnh ngày 11/8, liên Bộ Tài chính - Công Thương không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá nhưng lại thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá đối với xăng E5 RON 92 ở mức 700 đồng/lít, với xăng RON 95 ở mức 750 đồng/lít. Ở kỳ điều chỉnh này, nếu liên Bộ Công Thương - Tài chính không tiến hành trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng có thể giảm tới gần 1.700 đồng/lít và dầu diesel cũng có thể giảm tới 1.350 đồng/lít.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước có 21 lần điều chỉnh, trong đó 13 lần tăng và 8 lần giảm. Sau 5 lần giảm liên tiếp, giá xăng trong nước từ mức cao kỷ lục 32.870 đồng/lít đã giảm gần 10.000 đồng.
Với việc nhà điều hành triển khai giảm nhiều loại thuế phí đối với xăng dầu cùng với việc giá xăng dầu thế giới lao dốc mạnh trong thời gian qua đã khiến giá xăng, dầu trong nước giảm mạnh. Giá xăng bán lẻ hiện tương đương mức giá hồi cuối tháng 1.
Nhiều người vẫn hi vọng giá xăng trong nước tại kỳ điều hành giá tiếp theo sẽ giảm 6 lần liên tiếp.