Tại cuộc Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân mới đây ở Đắk Lắk, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, phát triển nông nghiệp chế biến là hướng đi đúng giúp nâng cao giá trị nông nghiệp của Việt Nam.
Thiếu nhà máy chế biến, nông sản khó tiêu thụ
Là nông dân có mô hình kinh tế vườn - rừng với 120ha, trồng keo, gió bầu, cây gỗ sao, cà phê, cây ăn trái, nuôi bò sinh sản, thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng, song tại buổi đối thoại với Thủ tướng Chính phủ, ông Phạm Lê Mạnh ở xã Ea Riêng (M'drắk, Đắk Lắk) vẫn trăn trở về vấn đề đầu ra nông sản.
Theo ông, Tây Nguyên có tới 2 triệu ha đất canh tác nông nghiệp với một loạt nông sản chủ lực, nhưng lại có rất ít nhà máy chế biến. Tại Đắk Lắk, nông dân cũng đang chuyển đổi cơ cấu, phát triển mạnh diện tích cây ăn quả (bơ, sầu riêng), nhưng vẫn gặp khó khăn trong tiêu thụ, chế biến.
Ông Mạnh kiến nghị Chính phủ có giải pháp để xây dựng, mở rộng nhiều nhà máy chế biến nông sản ở Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng, biến Tây Nguyên thành khu vực công nghiệp chế biến nông sản lớn của cả khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam có nhiều loại nông sản thuộc top đầu thế giới nhưng tỷ lệ chế biến khiêm tốn |
Nêu vấn đề cà phê là cây trồng chủ lục ở Tây Nguyên, hiệp định EVFTA có hiệu lực giúp mặt hàng này hưởng thuế suất ưu đãi 0%, 39 chỉ dẫn đại lý cà phê Việt Nam cũng được EU cam kết bảo hộ, theo ông Đỗ Quý Toán (Đắk Lắk) đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho cà phê Việt trên thị trường quốc tế.
Song, ông Toán có chung mối quan tâm là Chính phủ có giải pháp gì để phát triển ngành chế biến, xuất khẩu cà phê bền vững, để những người nông dân trồng cà phê nói chung và sản xuất cà phê chồn nói riêng như ông không còn phải lo vấn đề đầu ra cho sản phẩm cũng như chuyện “được mùa rớt giá”.
Theo số liệu từ Bộ NN-PTNT, hàng năm Việt Nam sản xuất 50 triệu tấn lương thực; sản lượng thịt lợn, gà, bò khoảng 5,8 triệu tấn, 8 triệu tấn cá tôm, rau quả, trái cây cũng hàng chục triệu tấn,...
Năng lực sản xuất của ngành nông nghiệp được cho là đang đạt đỉnh, có thể đáp ứng đủ nhu cầu lương thực thực phẩm cho 100 triệu dân trong nước và còn dư thừa để phục vụ xuất khẩu, thu về trên 40 tỷ USD mỗi năm. Thế nhưng, phần lớn sản phẩm nông lâm sản xuất khẩu tươi hoặc sơ chế thô nên giá trị gia tăng ở mức thấp.
Đề cập tới vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường từng nhìn nhận, 10 năm trở lại đây, công nghiệp chế biến có tốc độ tăng trưởng 5-7%/năm và có một số ngành chế biến hiện đại, song nhìn chung năng lực chế biến chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm, dây chuyền công nghệ, công suất chế biến, đặc biệt là dịp mùa vụ, cao điểm thu hoạch. Khâu chế biến vẫn là khâu yếu trong chuỗi giá trị nông sản ở nước ta.
Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản
Trước những ý kiến của nông dân về chế biến nông sản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, những năm qua, công nghiệp chế biến nông sản của Việt Nam đã có tiến bộ. Ví dụ như trong năm nay, chúng ta khánh thành 15 nhà máy chế biến nông sản. Trong đó, có nhà máy chế biến thịt gà đứng vào top lớn nhất thế giới, hay như nhà máy chế biến rau quả cũng nhất nhì thế giới.
Theo Thủ tướng, dư địa về phát triển chế biến nông sản của Việt Nam còn rất lớn. Còn về giải pháp, Nhà nước khẳng định sẽ tạo mọi cơ chế, chính sách để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản. Khi đó, Trung ương sẽ hỗ trợ về vốn và địa phương sẽ hỗ trợ mặt bằng.
Phát triển nông nghiệp chế biến giúp nâng cao giá trị nông lâm thủy hải sản |
Nhưng quan trọng, muốn phát triển được chế biến thì không thể sản xuất nhỏ lẻ, manh mún mà chúng ta phải sản xuất có quy hoạch. Nếu Đắk Lắk không tổ chức quy hoạch sản xuất được thì kêu gọi tất cả các tỉnh thành khác cùng tham gia. Phát triển nông nghiệp chế biến là hướng đi đúng giúp nâng cao giá trị nông nghiệp của Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay 3 năm qua, chúng ta đã thu hút gần 60 dự án lớn tập trung lĩnh vực nông nghiệp, giá trị 43.000 tỷ đồng, trong đó có nhiều dự án tập trung vào chế biến - khâu yếu nhất của lĩnh vực nông nghiệp hiện nay.
Nhiều nhà máy chế biến nông sản được đưa vào hoạt động. Đầu tháng 10 tới sẽ khánh thành nhà máy chế biến 1,4 triệu con lợn; tiếp đó là nhà máy chế biến thịt gà xuất khẩu có công suất lớn nhất tại Bình Phước; khởi công nhà máy chế biến rau quả tại Sơn La; khánh thành nhà máy xuất khẩu rau quả, chế biến dược liệu cũng tại Sơn La...
Theo Bộ trưởng, khâu cuối cùng trong tổ chức sản xuất nông sản thì doanh nghiệp là hạt nhân quan trọng. Ở đó, doanh nghiệp không chỉ đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào ứng dụng từ sản xuất, quản trị, mà còn tổ chức chế biến, cho tới tổ chức xuất khẩu thương mại.
Do đó, phải chăm lo để doanh nghiệp từ nhỏ và vừa, doanh nghiệp FDI, đặc biệt là doanh nghiệp dân tộc ngày càng lớn mạnh, từ đó liên kết với bà con nông dân hình thành các tổ chức sản xuất với chuỗi khép kín, tiến tới tổ chức một nền nông nghiệp hiện đại, thắng lợi trong hội nhập quốc tế.
Các chuyên gia nông nghiệp nhận định, khi làm tốt khâu chế biến nông sản thì hàng hóa nông dân sản xuất ra sẽ có giá ổn định hơn, nông sản chế biến bảo quản được lâu và xuất khẩu giá cao hơn. Nếu không làm tốt khâu này thì nông sản khó gia tăng giá trị, không giải quyết được vấn đề thời vụ.
Thực tế, từ đầu năm đến nay, khi dịch Covid-19 xảy ra, nhiều nơi nông dân khóc ròng vì tình trạng nông sản bí đầu ra, giá giảm mạnh, phải “giải cứu” do khó xuất khẩu. Song, nông sản chế biến gần như không bị ảnh hưởng, thậm chí tại một số doanh nghiệp, sản phẩm nông sản chế biến còn cháy hàng do nhu cầu tăng đột biến khi dịch bệnh bùng phát.
Tâm An