Trong lúc Facebook dựng lên bức tường căn hầm lưu giữ thông tin cá nhân của người dùng, họ tiện tay đào luôn một lối tắt cho những gã khổng lồ công nghệ chạm tay vào chỗ thông tin quý giá. Đó là ý chính của tiêu đề nổi bật trên trang nhất tờ The New York Times.
Nhiều năm rồi, Facebook vẫn bán thông tin người dùng cho bất kì công ty công nghệ nào trả một cái giá đủ lớn. Sự thật lộ ra rõ: thông tin cá nhân của người dùng có giá trị khổng lồ trong thời kì công nghệ số. Những vụ trao đổi dường như có lợi cho mọi bên tham gia: các công ty có thông tin người dùng có thể làm ra sản phẩm đánh đúng thị hiếu, Facebook có thêm nhiều thành viên mới, bản thân người dùng Facebook cũng có thể vươn xa tới những người bạn khác ở chân trời mới.
Thế nhưng ai mới là người thực sự nắm quyền kiểm soát số thông tin ấy? Một sự thật phũ phàng khác cũng lộ diện: không phải người dùng quản lý chính mình, mà chính là Facebook.
Theo những gì The New York Times thu thập được từ các buổi phỏng vấn với cựu nhân viên Facebook, các buổi gặp mặt đối tác của Facebook, các tài liệu liên quan, mạng xã hội lớn nhất thế giới cho phép:
- Công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft xem được danh sách bạn bè của mọi người dùng.
- Netflix và Spotify có khả năng đọc được cả tin nhắn cá nhân người dùng.
- Amazon có thể thu thập tên tuổi, các thông tin liên lạc.
- Yahoo có khả năng đọc được các bài đăng người dùng.
- Sony, Microsoft và Amazon có thể lấy được địa chỉ email người dùng.
Và giữa những báo cáo gây shock, có một dòng đáng chú ý và đáng sợ hơn cả: "Facebook cho phép Spotify, Netflix và Ngân hàng Hoàng gia Canada quyền đọc, viết và xóa tin nhắn cá nhân của người dùng, và xem được tất cả các thành viên trong cuộc hội thoại".
Facebook đã đi quá xa cái giới hạn mà chính người dùng đã nhập nhằng vẽ ra. Một đường ranh giới mờ, gần như không tồn tại đã cho phép Facebook toàn quyền xử lý những dữ liệu ta cung cấp cho họ.
Chúng ta phải có cái nhìn khác về mạng xã hội lớn nhất thế giới và những ảnh hưởng nó đang nắm trong tay.
Theo GenK