Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đang tăng trưởng nhanh cả về số lượng cũng như giá trị giao dịch.
Theo Vụ Thanh toán (NHNN), trong 7 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022, giao dịch TTKDTM tăng 51,19% về số lượng; qua kênh Internet tăng 66,46% về số lượng và 4,01% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 63,09% về số lượng và 8,79% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 124,15% về số lượng và 16,12% về giá trị).
Đến nay, số lượng thẻ đang lưu hành đạt hơn 140 triệu thẻ, với hơn 103 triệu thẻ nội địa (còn gọi là thẻ ATM), 36,7 triệu thẻ quốc tế; trong đó có gần 10,8 triệu thẻ mở bằng eKYC đang lưu hành.
Bên cạnh sự tham gia của các tổ chức thẻ quốc tế vào thị trường Việt Nam, thời gian qua, các tổ chức phát hành thẻ tại Việt Nam cũng đã nghiên cứu phát triển, cung ứng các sản phẩm thẻ nội địa gắn với thương hiệu thẻ của Việt Nam.
Ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, tính đến cuối năm 2022, có trên 77,41% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng.
Đến tháng 6/2023, có 82 tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai thanh toán qua Internet và 52 TCTD triển khai thanh toán qua mobile.
Hệ thống ATM, POS cũng được các ngân hàng quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ, toàn thị trường hiện có hơn 21.360 ATM, hơn 477.900 POS (tăng tương ứng 3,31% và 28,86% so với cùng kỳ năm 2022).
Nhiều chuyên gia kinh tế đã nhận định, Việt Nam là nền kinh tế đang có tốc độ phát triển cao trong khu vực với tiềm năng về dân số trẻ cùng với lượng khách du lịch đến với Việt Nam ngày càng tăng.
Đây là cơ hội để ngành Ngân hàng thúc đẩy TTKDTM nói chung, phát triển hoạt động thẻ ngân hàng với công nghệ, giải pháp thanh toán đa dạng, đột phá nói riêng trong thời gian tới.
TS. Cấn Văn Lực đánh giá thanh toán bằng tiền mặt trong giao dịch cá nhân của Việt Nam khoảng trên dưới 55%. Nếu buộc mọi giao dịch lớn đối với đất đai, bất động sản phải TTKDTM thì giá trị giao dịch TTKDTM chắc chắn sẽ tăng lên.
Nguyễn Ngọc Tuân, Nguyễn Xuân Ngọc, Nguyễn Hồng Hạnh