Từ SEA Games, Asiad tới Olympic
Kết thúc SEA Games 32, đoàn TTVN giành tới 136 HCV, 105 HCB và 118 HCĐ, xuất sắc giành vị trí số một chung cuộc, bỏ xa đoàn xếp thứ hai là Thái Lan tới 28 HCV.
Dù vẫn có những ý kiến về giải đấu “ao làng”, nhưng không thể phủ nhận các HLV, VĐV đều rất nỗ lực, chiến đấu vì màu cờ sắc áo và giành những thành tích đáng tự hào. Có những tấm HCV như của Nguyễn Thị Oanh đã truyền cảm hứng cho giới trẻ về nỗ lực vượt qua giới hạn của bản thân.
Tại Asiad 19 diễn ra ở Hàng Châu (Trung Quốc), đoàn TTVN giành được 3 HCV, 5 HCB, 19 HCĐ, xếp ở vị trí thứ 21 trên bảng tổng sắp huy chương. Tính ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 6, chỉ xếp trên các đoàn Myanmar (1 HCV), Brunei, Lào, Campuchia và Timor Leste (không có HCV nào).
Ba tấm HCV của Việt Nam thuộc về Phạm Quang Huy (bắn súng), đội tuyển cầu mây nữ và đội tuyển Kata (Karate). Thành tích này giúp đoàn TTVN hoàn thành chỉ tiêu (2-5 HCV), nhưng không thể vui khi nhìn sang các quốc gia Đông Nam Á có bước tiến mạnh ở đấu trường châu lục.
Xét về tổng thể, TTVN có một kỳ Asiad không thành công dù hoàn thành chỉ tiêu. Ở hai kỳ SEA Games gần nhất, TTVN luôn vượt qua Thái Lan để xếp nhất, nhưng ra đấu trường Á vận hội lại bị đối thủ bỏ xa về thành tích. Không chỉ ở sân chơi Asiad, mà ở Olympic, Thái Lan hay Indonesia, Malaysia, Singapore cũng đều có thế mạnh cạnh tranh huy chương, trong khi TTVN chỉ chờ vào may mắn. Đây chính là vấn đề đáng suy ngẫm.
Làm gì để “tấn công” đấu trường Olympic
Đoàn TTVN gặp khó khăn ở Asiad, nên sân chơi Olympic càng xa vời. Theo đánh giá của Cục TDTT, những nguyên nhân chính khiến thể thao thành tích cao Việt Nam còn gặp nhiều hạn chế là do nguồn lực về tài năng VĐV trẻ chưa nhiều; các VĐV tranh chấp thành tích trên đấu trường Olympic và Asiad chưa thực sự đạt và duy trì sự ổn định thành tích, cùng với đó là nguồn HLV nội có trình độ cao còn rất khiêm tốn, thiếu chuyên gia nước ngoài.
Ngoài ra, cơ sở vật chất phục vụ cho việc tập luyện, thi đấu thiếu thốn, VĐV thiếu các đợt tập huấn nước ngoài do vấn đề kinh phí, hệ thống thi đấu trong nước thiếu hiệu quả.
Vấn đề lớn nhất của ngành thể thao chính là… tiền. Theo thống kê, kinh phí dành cho thể thao thành tích cao trong năm 2022 là hơn 686 tỷ đồng, còn năm 2023 là hơn 710 tỷ đồng. Số tiền này phục vụ cho toàn bộ các hoạt động như tiền ăn, tiền lương, chế độ, tập huấn trong nước và quốc tế, thuê chuyên gia, dinh dưỡng, thuốc bổ...
Một lãnh đạo cục TDTT cho rằng với sự đầu tư như vậy, việc đòi hỏi phải có thành tích ở Asiad hay Olympic là cực khó. Để có nhiều VĐV tranh tài ở Olympic và có huy chương, từ nay tới năm 2030 cần phải huy động khoảng 6 nghìn tỷ đồng.
Một trong những giải pháp để TTVN phát triển đó là giải bài toán kinh tế thể thao để chủ động nguồn ngân sách. Thực tế, một vài môn thể thao ở Việt Nam bắt đầu có nguồn kinh phí nhất định từ xã hội hóa, nhưng chỉ có bóng đá làm tốt.
Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt cho biết, ngân sách nhà nước là nền tảng nhưng cần huy động được các nguồn kinh phí tài trợ, xây dựng thương hiệu riêng để phát triển hình ảnh cho mỗi VĐV, mỗi đội tuyển thể thao thông qua các hoạt động tuyên truyền.
Tính đến thời điểm hiện tại, TTVN mới có 3 suất vượt qua vòng loại Olympic 2024. Ngành thể thao đặt kỳ vọng vào cơ hội giành thêm suất Olympic trong các môn trọng điểm như: điền kinh, boxing, cử tạ, đấu kiếm, vật, judo, taekwondo... Chỉ khi có thật nhiều VĐV vượt qua vòng loại, trong đó có những môn thể thao mũi nhọn, TTVN mới kỳ vọng tranh chấp huy chương ở đấu trường Thế vận hội.
“Để đầu tư đạt được thành tích tại 2 đấu trường lớn nhất, ngành thể thao Việt Nam xác định còn rất nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, việc phát triển thể thao thành tích cao không phải chỉ trong ngày một, ngày hai là có ngay các nhà vô địch Olympic và châu Á. TTVN cần một quá trình, cần một hệ thống bài bản…”, ông Đặng Hà Việt nhấn mạnh.