Theo ông Phạm Tiến Dũng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước: “Thẻ tín dụng nội địa là một sản phẩm có rất nhiều ưu điểm. Trong đó, tốt như các sản phẩm đang có trên thị trường, rẻ hơn các sản phẩm đang có trên thị trường, tính năng như các sản phẩm đang có trên thị trường. Tôi tin trưởng rằng, không có lý do gì để kìm hãm sự phát triển của thẻ tín dụng nội địa.
Đồng thời, để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, phổ cập tài chính toàn diện và góp phần đẩy lùi tín dụng đen, thẻ tín dụng nội địa là công cụ hữu hiệu nhất.
Trong thời gian tới, tôi đề nghị các tổ chức phát hành thẻ và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện có hiệu quả nội dung liên quan đến phát hành thẻ tín dụng nội địa với 4 nội dung.
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác truyền thông rộng rãi cho các khách hàng về thông tin, quy trình phát hành của các dòng thẻ tín dụng nội địa. Xây dựng và triển khai chính sách phí phù hợp với điều kiện phát triển thẻ tín dụng nội địa.
Thứ hai, tích cực triển khai các sản phẩm thẻ, dịch vụ ngân hàng theo hướng số hoá các sản phẩm thẻ, tự động hoá các quy trình, đặc biệt quy trình đăng ký phát hành thẻ và điểm chấp nhận thẻ.
Thứ ba, mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ liên thông vào tất cả dịch vụ, lĩnh vực trong nền kinh tế.
Thứ tư, tiếp tục nghiên cứu thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán thẻ tín dụng tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn liền với Chính sách toàn diện tài chính quốc gia, tạo điều kiện cho các đối tượng yếu thế trong xã hội tiếp cận, hưởng tiện ích của dịch vụ ngân hàng hiện đại, đảm bảo phát triển cân bằng, hài hoà trong nền kinh tế, toàn quốc gia và lãnh thổ Việt Nam.
Bên cạnh phát triển thẻ tín dụng, tôi mong các đơn vị phát hành thẻ tín dụng nội địa và công ty chuyển mạch (Napas) chú ý đến bảo đảm an ninh, an toàn trong hệ thống thẻ nói chung và hệ thống thẻ nội địa nói riêng. Đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người dùng trong sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt”.
Tuyết Nhung, Anh Dũng, Duy Tuấn