Diễn biến dịch Covid-19 phức tạp và kéo dài khiến cho hoạt động học tập ở nhiều tỉnh, thành phố gặp khó khăn.
Với những địa phương đang áp dụng biện pháp giãn cách xã hội để ngăn ngừa lây lan dịch bệnh, học trực tuyến là lựa chọn cần thiết để các em học sinh “tạm ngừng đến trường nhưng không dừng việc học”. Thế nhưng, nhiều học sinh lại thiếu trang thiết bị công nghệ để học tập cũng như không được đảm bảo về chất lượng đường truyền Internet.
Số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT hồi giữa tháng 9 cho thấy cả nước có khoảng 7,35 triệu học sinh học trực tuyến, trong đó có khoảng 1,5 triệu em thiếu thiết bị học tập, chưa thể tiếp tục học tập trong năm học mới 2021 – 2022.
Thực trạng trên là lý do chương trình “Sóng và máy tính cho em” được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TT&TT chủ trì xây dựng và triển khai để hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến, thúc đẩy phát triển xã hội số.
Từ thời điểm được chính thức phát động ngày 12/9 đến nay, “Sóng và máy tính cho em” đã nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và đã lan tỏa trên toàn quốc.
Ngay trong lễ phát động, chương trình đã nhận được tổng số tiền ủng hộ là 2.502,1 tỷ đồng, tương đương xấp xỉ 1 triệu chiếc máy tính từ các doanh nghiệp. Các địa phương trên cả nước cũng đã ủng hộ, đóng góp được 63 tỷ đồng, 8 máy tính và 630 điện thoại thông minh cho chương trình.
Cùng với đó, như ICTnews đã đưa tin, trong 18 ngày cuối tháng 9, các doanh nghiệp viễn thông đã hoàn thành ứng cứu, phủ sóng cho 283 điểm lõm sóng Internet di động tại địa bàn 8 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hậu Giang, Phú Yên, Bình Phước, Đồng Tháp, Khánh Hòa để phục vụ việc giảng dạy và học tập trực tuyến.
Hai học sinh ở Cần Thơ phải học trực tuyến chung bằng 1 chiếc điện thoại (Ảnh: Đức Duy) |
Để chung tay hỗ trợ việc học tập trong thời gian giãn cách, FPT vừa cho biết trong tháng 10, doanh nghiệp này và Quỹ Hy vọng sẽ trao tặng 3.300 bộ thiết bị học trực tuyến gồm máy tính bảng, gói dịch vụ Internet và nền tảng học trực tuyến VioEdu có tổng trị giá 8 tỷ đồng, cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Chương trình đang được triển khai gấp rút để có thể sớm hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các địa phương. Trước mắt, chương trình sẽ tập trung hỗ trợ học sinh khó khăn tại các vùng dịch tại 7 tỉnh, thành phía Nam đang áp dụng hình thức dạy học online, bao gồm Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Trà Vinh, Tây Ninh, Bến Tre và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tại Cần Thơ, theo Sở GD&ĐT thành phố, cấp THCS có 4.117 em và THPT 605 em học sinh trong các gia đình nghèo không có tiền mua điện thoại, máy tính… để học trực tuyến. Vĩnh Thạnh là huyện vùng sâu, vùng xa nên số học sinh không có điều kiện học trực tuyến nhiều nhất địa phương, với 784 trường hợp.
Trưởng phòng GD&ĐT Vĩnh Thạnh, ông Nguyễn Văn Dũng cho biết: Những học sinh thiếu thiết bị để học trực tuyến đều thuộc các gia đình thuộc diện nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ làm thuê...
Trước đó, trong tháng 9, hưởng ứng chương trình “Sóng và máy tính cho em”, FPT đã hỗ trợ 100 máy tính cùng 1.000 thiết bị học trực tuyến với FPT Playbox tới các học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Đà Nẵng.
Ngoài ra, với mong muốn hỗ trợ thế hệ trẻ có đầy đủ điều kiện học tập, từ đó vươn lên vững vàng, trưởng thành trong gian khó, mới đây doanh nghiệp công nghệ này đã khởi xướng ý tưởng thành lập một ngôi trường nội trú để nuôi dưỡng và đào tạo em nhỏ từ 6 - 18 tuổi trên toàn quốc không may mất cha mẹ vì dịch bệnh Covid-19.
Vân Anh
Xóa xong 283 điểm “lõm sóng” Internet tại 8 địa phương, phục vụ học tập trực tuyến
Trong 18 ngày từ 12 - 30/9, các nhà mạng đã hoàn thành ứng cứu phủ sóng cho 283 điểm lõm sóng trên địa bàn Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hậu Giang, Phú Yên, Bình Phước, Đồng Tháp, Khánh Hòa để phục vụ dạy và học trực tuyến.