Theo Washington Post, cáo buộc của cựu nhân viên giấu tên này có nhiều điểm tương tự lời chỉ trích của Haugen. Cựu nhân viên này từng làm việc tại bộ phận bảo đảm các bài đăng trên Facebook không có nội dung thù ghét, kích động bạo lực.
Người này còn trích dẫn lời một lãnh đạo Facebook, khẳng định công ty vẫn kiếm tiền "ổn định" giữa bão chỉ trích liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Người này đã gửi đơn tố cáo tới Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC), giống như Frances Haugen.
Thêm cựu nhân viên tố cáo Facebook trước việc thanh lọc nội dung bẩn trên nền tảng. Ảnh: Fox Business. |
Diễn biến mới trong loạt bê bối của Facebook
"Đó chỉ là chủ đề sớm nở chóng tàn. Một số nhà lập pháp có thể tức giận. Sau đó vài tuần, họ sẽ chuyển sang chủ đề khác. Trong khi đó, chúng ta vẫn in tiền và mọi thứ vẫn ổn", Tucker Bounds, lãnh đạo truyền thông cấp cao của Facebook được cho đã nói như vậy khi công ty tìm cách dập tắt tranh cãi về việc Nga thao túng cuộc bầu cử vào năm 2017.
"Đây là lần đầu tiên tôi được hỏi về cuộc trò chuyện cách đây 4 năm với một người giấu mặt, không có nguồn tin nào ngoài lời buộc tội trống rỗng", Bounds phản hồi và khẳng định cáo buộc trên không có căn cứ. Hiện tại, ông là Phó chủ tịch Truyền thông của Facebook.
Theo cựu nhân viên tố cáo Facebook, câu nói của Bounds cho thấy sự hời hợt của công ty trong việc xử lý nội dung sai lệch. Đơn khiếu nại gửi lên SEC còn cáo buộc các quan chức Facebook thường xuyên ngăn chặn những đợt kiểm duyệt tin giả, ngôn từ kích động thù địch và nội dung bẩn vì sợ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và cộng sự tức giận hoặc lo ngại lượng tương tác giảm, ảnh hưởng đến lợi nhuận công ty.
Đây là diễn biến mới nhất trong loạt bê bối từ năm 2017 liên quan đến việc thanh lọc nội dung bẩn trên các nền tảng của Facebook. Công ty được cho đã dung túng nội dung khủng bố, buôn ma túy, ngôn từ kích động thù địch và tin giả, đồng thời không cảnh báo cho nhà đầu tư về rủi ro tiềm ẩn từ những nội dung này.
Mark Zuckerberg và Sheryl Sandberg được cho đã biết mức độ nghiêm trọng của vấn đề, nhưng không nhắc đến chúng trong hồ sơ gửi cho nhà đầu tư. Ảnh: Business Insider. |
"Zuckerberg và các lãnh đạo Facebook liên tục tuyên bố tỷ lệ hiệu quả cao trong việc hạn chế nội dung bẩn trước nhà lập pháp, cơ quan quản lý và nhà đầu tư, trong khi họ biết rằng công ty không thể xóa chúng và vẫn thu lợi nhuận", cựu nhà báo Gretchen Peters, lãnh đạo Liên minh Chống Tội phạm Trực tuyến chia sẻ.
Không kiểm duyệt vì sợ chính quyền Donald Trump?
Các lãnh đạo Facebook như CEO Mark Zuckerberg, Giám đốc Vận hành Sheryl Sandberg được cho đã biết mức độ nghiêm trọng của vấn đề, nhưng không nhắc đến chúng trong hồ sơ gửi cho nhà đầu tư. Tuy cổ phiếu và vốn hóa Facebook rất cao, loạt tài liệu cáo buộc gần đây cảnh báo các nhà đầu tư của Facebook đang đối mặt rủi ro lớn.
"Facebook đã tạo ra mô hình kinh doanh với sự lầm tưởng rằng họ không thể chịu trách nhiệm", luật sư Stephen M. Kohn, nhà sáng lập Trung tâm Tố giác Quốc gia Mỹ (National Whistleblower Center) nói.
Cựu nhân viên còn nhắc đến trường hợp bộ phận chính sách công của Facebook, lúc đó do Joel Kaplan lãnh đạo, đã tạo ra "danh sách trắng" bao gồm trang tin cánh hữu Breitbart News, cùng một số nhà xuất bản không phải chịu hình phạt từ Facebook nếu vi phạm chính sách phát tán tin giả.
"Bạn có muốn chiến đấu với Steve Bannon không" là lời đáp trả của Kaplan với những thắc mắc về chính sách này, theo trích dẫn từ người tố cáo Facebook. Bannon là cựu cố vấn chiến lược của ông Trump, còn Kaplan hiện là Phó giám đốc Chính sách Toàn cầu của Facebook.
Tuy nhiên theo Washington Post, Kaplan nói rằng chưa từng lập danh sách miễn trừ, khẳng định luôn đối xử công bằng với mọi nhà xuất bản bất kể hệ tư tưởng khác nhau.
Facebook nhiều lần bị chỉ trích do không kiểm duyệt đầy đủ các nhóm tội phạm khủng bố, bạo lực kích động. Ảnh: Anadolu. |
Đơn tố cáo cũng ghi Facebook được các quan chức quân sự tại Myanmar sử dụng để truyền bá nội dung thù địch trong vụ giết người dân tộc Rohingya. Facebook thừa nhận đã không hành động đủ nhanh để ngăn chặn tình trạng này.
"Tôi làm việc cho Facebook, từng đứng về phía tham gia tội ác diệt chủng", nhân viên tố cáo Facebook (giấu tên) viết trong bản tuyện thệ. Trong khi đó, McPike cho biết cách tiếp cận của Facebook tại Myanmar đã khác so với năm 2017, khẳng định cáo buộc công ty không đầu tư vào sự an toàn tại đất nước này là sai.
Người tố cáo cũng chỉ trích gay gắt việc Facebook không kiểm soát kỹ chức năng lập nhóm. Một số nhóm riêng tư không xuất hiện trong thanh tìm kiếm, để lọt những bài viết "đáng sợ", trở thành nơi trú ẩn của tội phạm, những tên buôn ma túy.
Khi nhân viên này nêu quan điểm trong công ty, một quan chức Facebook chỉ trả lời "Chúng ta cần tập trung vào những điều tốt đẹp".
(Theo Zing)
Hàng loạt báo lớn ‘tổng tấn công’ Facebook
Theo The Information, hơn 12 tờ báo lớn bắt đầu đăng tải các bài báo vạch trần Facebook dựa trên tài liệu của người tố giác Frances Haugen.