Thông tin từ Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ TT&TT), Đà Nẵng vừa là địa phương thứ tư có chính sách hỗ trợ hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng, sau 3 tỉnh Yên Bái, Hà Tĩnh và Bình Dương.
Cụ thể, theo Nghị quyết 36 mới được Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành, trong thời gian từ ngày 10/8/2024 đến ngày 31/12/2025, ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ hoạt động cho Tổ công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 tại các thôn, tổ dân phố trên địa bàn Đà Nẵng với mức tối đa là 3 triệu đồng/tổ/năm.
Với Yên Bái và Hà Tĩnh, mỗi Tổ chuyển đổi số cộng đồng tại 2 địa phương này có các mức hỗ trợ hằng tháng lần lượt là 500.000 đồng và 600.000 đồng. Trong khi đó, tại Bình Dương, từ đầu năm nay, thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng được hỗ trợ khoán chi phí hoạt động với mức 60.000 đồng/người/tháng.
Mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng là một trong những sáng kiến của Bộ TT&TT, với mục tiêu huy động toàn dân tham gia tuyên truyền, phổ biến các kiến thức và kỹ năng chuyển đổi số. Được triển khai thí điểm trên toàn quốc từ tháng 3/2022, các Tổ công nghệ số cộng đồng đã phát huy hiệu quả, góp phần vào thành tích chung của công cuộc chuyển đổi số quốc gia thời gian qua.
Cụ thể, trong thời gian thí điểm, các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng đã đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân biết, hiểu và thực hiện 5 nội dung kỹ năng số cơ bản gồm: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến, mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến, tự bảo vệ mình trên không gian mạng, sử dụng nền tảng số khác tùy đặc thù của địa phương.
Đặc biệt, với việc đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (đề án 1690) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm ngoái, khái niệm “Tổ công nghệ số cộng đồng” được công nhận chính thức, các thành viên của tổ này là thành viên Mạng lưới chuyển đổi số do Bộ TT&TT là cơ quan điều phối chung hoạt động.
Cũng tại đề án 1690, Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ yêu cầu: “Ở địa phương, phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng, đẩy mạnh hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng theo hướng xã hội hóa”.
Theo thống kê của Cục Chuyển đổi số quốc gia, tính đến nay, 100% các tỉnh, thành phố trên cả nước đã thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng đến từng thôn, tổ dân phố, khu dân cư, khóm, ấp dân cư, với tổng số 93.524 tổ công nghệ số cộng đồng và 457.820 thành viên.