Được phát triển bởi công ty đến từ Ba Lan, PimEyes là công cụ miễn phí cho phép bạn tải lên ảnh khuôn mặt của một người bất kỳ.
Sau khi tải lên, thuật toán nhận diện khuôn mặt của PimEyes sẽ tìm và trả về ảnh khuôn mặt của người đó trên các website phổ biến như Tumblr, YouTube, WordPress, các trang tin tức...
PimEyes là công cụ tìm kiếm khuôn mặt từ ảnh khuôn mặt gốc do người dùng cung cấp. Ảnh: Steemit. |
Cách hoạt động của PimEyes không quá khác so với Clearview AI, dịch vụ đang được sử dụng bởi cảnh sát và các nhà lập pháp tại nhiều quốc gia. Theo Medium, thuật toán tìm kiếm của PimEyes hiện chưa mạnh như Clearview AI, các website mà công cụ này có thể tìm khuôn mặt cũng khá hạn chế.
Trên website chính thức, PimEyes nói mục đích của công cụ này là bảo vệ quyền riêng tư, tránh việc lạm dụng hình ảnh. Tất nhiên không ngoại trừ trường hợp một người cố tình tải ảnh của họ lên mạng xã hội, biến PimEyes thành công cụ tìm người theo đuổi (stalk).
Để tạo ra doanh thu, PimEyes cung cấp gói trả phí cho phép người dùng biết được hình ảnh kết quả được lưu trên website nào, gửi thông báo nếu có hình mới của người đó được tải lên (tối đa 25 người). Nhà phát triển cũng cho phép lập trình viên tìm kiếm hình ảnh trên cơ sở dữ liệu của họ.
Những công cụ tìm kiếm khuôn mặt khá hiếm nhưng không mới. Vào năm 2016, hãng công nghệ NtechLab của Nga đã giới thiệu FindFace với tính năng tương tự PimEyes. Dịch vụ này đã bị đóng cửa với người dùng bình thường để cung cấp cho chính phủ Nga.
Tính năng tìm kiếm bằng hình ảnh cũng có mặt trên Google nhiều năm qua, tuy nhiên nó không sử dụng thuật toán nhận diện khuôn mặt riêng biệt như PimEyes.
Người dùng có thể mua bản trả phí của PimEyes để biết hình ảnh kết quả được lưu trên website nào, nhận thông báo nếu có ảnh mới. Ảnh: PimEyes. |
Theo PimEyes, tính năng tìm kiếm hình ảnh của Google dựa trên siêu dữ liệu (metadata) liên kết với hình ảnh trên website với sự giống nhau của các thành phần, phông nền và thuộc tính không phải sinh trắc học. Do đó, nếu tải lên ảnh chân dung mà không có phông nền, Google sẽ trả về những hình ảnh chân dung có phông nền tương tự, song là của người khác chứ không phải bạn.
Website của PimEyes nói rằng các nhà lập pháp có thể ký hợp đồng đặc biệt để tìm kiếm hình ảnh trên các "web ngầm" (darknet website). PimEyes cũng hợp tác với Paliscope, phần mềm điều tra cho các nhà lập pháp để cung cấp ảnh khuôn mặt cho tài liệu và video phục vụ điều tra.
Gần đây, họ còn hợp tác với tổ chức 4theOne để hỗ trợ tìm kiếm những đứa trẻ bị bán.
Vẫn còn nhiều thắc mắc liên quan đến PimEyes như làm thế nào công cụ này lấy dữ liệu từ khuôn mặt người, hợp đồng với nhà lập pháp ra sao và sự chính xác của thuật toán. Quyền riêng tư cũng là lo ngại lớn của người dùng.
(Theo Zing)
Startup này thu thập hàng tỷ hình ảnh từ internet để tạo cơ sở dữ liệu nhận dạng khuôn mặt
Và cơ sở dữ liệu này đang được sử dụng bởi hàng trăm cơ quan hành pháp.