Năm 2011, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên bắt đầu triển khai và tổ chức thực hiện Đề án Xây dựng xã nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015. Đến năm 2015, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Ngày 10/4 vừa qua, xã Tức Tranh được UBND tỉnh trao bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, tiến tới thí điểm xây dựng mô hình xã nông thôn mới thông minh.
Hiện nay, cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã Tức Tranh được kết nối đồng bộ; tỷ lệ đường giao thông được cứng hóa đạt 100%. Xây dựng thêm 3 công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, 10 trạm biến áp điện. 100% các trường học đạt chuẩn quốc gia; 100% nhà văn hóa xóm đạt chuẩn theo quy định. Hệ thống thông tin truyền thông được đầu tư nâng cấp; xã không còn nhà tạm...
Xã Tức Tranh hiện có 15/19 làng nghề sản xuất chè; 8 hợp tác xã sản xuất, kinh doanh chè và 16 tổ hợp tác sản xuất chè VietGAP, 2 tổ hợp tác sản xuất chè hữu cơ. Xã có 7 sản phẩm OCOP; thu nhập bình quân đầu người đạt 58,5 triệu đồng/người (năm 2022). Đến nay, xã có 11/19 xóm nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó xóm Khe Cốc đạt nông thôn mới thông minh.
Được biết, chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, từng bước hình thành nông thôn mới thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, đặc biệt là vai trò trung tâm của người dân tham gia thực hiện chuyển đổi số. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng, ứng dụng công nghệ, phát triển nguồn nhân lực để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích người dân nông thôn chủ động áp dụng chuyển đổi số, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng tiếp cận dịch vụ và đời sống của người dân.
Mục tiêu của tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025 sẽ phát triển chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số. Ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ những hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước). 100% các địa phương, đơn vị quản lý điều hành trên môi trường điện tử.
Tỉnh cũng phấn đấu có ít nhất 1 mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất (kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường, văn hóa, y tế, giáo dục, an ninh trật tự…).
Đầu năm 2023, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thái Nguyên đã công bố quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt danh mục mô hình thí điểm do Trung ương chỉ đạo thuộc Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn thông minh giai đoạn 2021 - 2025. Xã Tức Tranh trở thành địa phương đầu tiên được tỉnh Thái Nguyên lựa chọn thí điểm xây dựng xã nông thôn mới thông minh.