Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ 2025 có nhiều điểm mới so với những năm trước:

Thứ nhất, kỳ thi được tổ chức thành 3 buổi thi, gồm: Ngữ văn và Toán mỗi môn một buổi, cộng một buổi thi môn tự chọn gồm 2 trong số các môn Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ định hướng công nghiệp (Công nghệ và Nông nghiệp), Ngoại ngữ. Các thí sinh sẽ được sắp xếp theo tổ hợp bài thi tự chọn để tối ưu phòng thi, điểm thi.

Thứ 2, việc xét công nhận tốt nghiệp sẽ sử dụng kết hợp điểm đánh giá quá trình (học bạ) và kết quả thi theo tỷ lệ 50-50. Điểm trung bình học bạ các năm được tính theo trọng số.

Việc tăng tỷ lệ sử dụng điểm đánh giá học bạ từ 30% lên 50% giúp đánh giá sát hơn năng lực người học theo Chương trình Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Điểm học bạ các năm lớp 10, 11 cũng được sử dụng (với trọng số nhỏ hơn của lớp 12) thay vì chỉ của lớp 12 như trước đây, nhằm thúc đẩy việc dạy và học ngay khi học sinh bước vào bậc THPT. 

Thứ 3, từ năm 2025, chứng chỉ ngoại ngữ vẫn được sử dụng để miễn thi nhưng không được quy đổi thành điểm 10 trong xét công nhận tốt nghiệp như trước đây; công thức tính điểm xét tốt nghiệp không có điểm ngoại ngữ trong trường hợp này.

Cách thức này tiếp tục khuyến khích việc học ngoại ngữ nhưng hướng tới công bằng hơn trong xét đỗ tốt nghiệp. Ví dụ, trước đây, học sinh có chứng chỉ IELTS 4.0 cũng quy đổi thành điểm 10 như học sinh đạt điểm IELTS 8.5.

Yếu tố mới thứ 4 liên quan tới điểm khuyến khích: Bỏ cộng điểm chứng chỉ nghề đối với tất cả các thí sinh; Bỏ cộng điểm chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, bằng trung cấp nghề đối với thí sinh Giáo dục thường xuyên.

Nội dung này nhằm phù hợp với Chương trình GDPT 2018, đồng thời tạo sự bình đẳng bởi học sinh tốt nghiệp hệ giáo dục chính quy và thường xuyên đều được cấp chung một loại bằng tốt nghiệp.

Từ 2025, kỳ thi THPT cho phép thí sinh là người nước ngoài được sử dụng chứng chỉ tiếng Việt để miễn thi môn Ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Việc này tạo điều kiện thuận lợi để xét công nhận tốt nghiệp cho người nước ngoài học chương trình GDPT ở Việt Nam nhưng vẫn đảm bảo được học vấn cơ bản của môn Ngữ văn thông qua việc học môn này trên lớp và việc thi để lấy chứng chỉ tiếng Việt.

Cuối cùng, từ năm 2025, đề thi sẽ được vận chuyển qua hệ thống đường truyền mã hoá và bảo mật của Ban Cơ yếu Chính phủ từ địa điểm Hội đồng ra đề thi tới điểm in sao đề thi của 63 tỉnh thành.

Phương thức vận chuyển đề thi mới này giúp chuyển đề thi gốc nhanh, kịp thời, giảm thời gian và nhân sự vận chuyển như phương pháp đang áp dụng. Đây cũng là bước chuẩn bị sớm, từ xa và quan trọng để thực hiện phương án thi theo lộ trình chuyển đổi hình thức từ thi trên giấy sang thi trên máy tính đã công bố.

tuyensinh.jpg