Theo chuyên gia, sự vào cuộc của Chính phủ giúp tháo gỡ điểm nghẽn về pháp lý, về chính sách tín dụng… dự báo thị trường bất động sản sẽ “ấm” lên từ quý III năm nay.
TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay, thị trường bất động sản quý I/2023 đang có tín hiệu tích cực nhờ vào động thái hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn kịp thời từ Chính phủ.
Cụ thể như, việc thành lập Tổ công tác rà soát thực trạng khó khăn của doanh nghiệp, địa phương có các dự án đang bị vướng mắc; công điện 1164/CĐ-TTg của Chính phủ cũng ban hành để đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện theo Quyết định 1435/QĐ-TTg; trong đó đề cập việc các doanh nghiệp bất động sản cần phải tự nghiên cứu, xem xét hàng hóa cho phù hợp với nhu cầu của thị trường…
Bên cạnh đó, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn thị trường.
Ông Đính đánh giá, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là liều thuốc bổ có giá trị đối với thị trường. Tuy nhiên, theo ông, Chính phủ cần ban hành cụ thể Nghị quyết về gói ưu đãi này, bao gồm tiêu chí, nhóm đối tượng được tiếp cận nguồn vốn này.
Việc tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh cho phù hợp với thực tại nền kinh tế và nguồn lực doanh nghiệp, cấu trúc lại các dòng sản phẩm để dễ hấp thụ thị trường sẽ góp phần vào việc đảm bảo “sức khỏe” cho doanh nghiệp.
Theo chuyên gia, sự vào cuộc của Chính phủ giúp tháo gỡ điểm nghẽn về pháp lý, về chính sách tín dụng… dự báo thị trường bất động sản sẽ “ấm” lên từ quý III năm nay.
Chia sẻ tại tọa đàm điểm sáng đầu tư mới đây, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia đưa ra hai nhóm chính sách, ngắn hạn và dài hạn nhằm giúp thị trường bất động sản phục hồi, phát triển bền vững hơn.
Trong đó, nhóm giải pháp ngắn hạn là những chính sách tập trung tháo gỡ vấn đề đang nóng nhất của thị trường, gồm pháp lý và vốn. Theo chuyên gia, nếu tháo gỡ được vấn đề pháp lý, hàng trăm dự án được giải tỏa, dòng tiền từ đây mà ra. Quan trọng hơn, tháo gỡ được vấn đề pháp lý chính là củng cố niềm tin cho thị trường.
Về vốn cho thị trường bất động sản, ông Lực cho rằng, nóng nhất chính là vấn đề trái phiếu. Theo tính toán, khoảng 120.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản đáo hạn trong năm 2023, sang năm 2024 là khoảng 110.000 tỷ đồng. Mua lại lượng trái phiếu này đang gây áp lực rất lớn cho các nhà đầu tư bất động sản.
TS. Cấn Văn Lực cũng đánh giá dòng vốn từ M&A (mua bán và sáp nhập) rất quan trọng với thị trường bất động sản, nhiều doanh nghiệp kiến nghị hệ thống ngân hàng cho vay để tài trợ phần vốn thiếu hụt khi giao dịch M&A.
“Tôi kiến nghị nên cho phép, vì việc này hoàn toàn khả thi và là nhu cầu thật. Doanh nghiệp có 70%, phần còn lại ngân hàng tài trợ 30%”, ông Lực đề xuất.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, hiện giá bất động sản bị "đẩy" cao so với thu nhập của người dân. Do đó, để đưa ra được các phương án điều chỉnh giá bất động sản hợp lý hơn, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, đơn vị, chính quyền để đáp ứng nhu cầu.
“Việt Nam nên có quỹ bình ổn như Singapore để người dân có thể dễ dàng có nhà ở”, ông Lực đề xuất.
HoREA đề xuất ngân hàng cho doanh nghiệp vay tiền để trả nợ trái phiếu
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ nhằm đề xuất một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Theo đó, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại được cho doanh nghiệp vay tái cấu trúc các khoản nợ trái phiếu sắp đến hạn. Đối tượng là các doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn có tài sản bảo đảm, có dự án đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất.
Trong đó, khoản vay có thể xem xét không vượt quá 70% giá trị gói trái phiếu đã phát hành. Ngân hàng thương mại được phép nhận thế chấp bằng chính gói trái phiếu này và các tài sản bảo đảm để phát hành gói trái phiếu đó theo phương thức ngân hàng thương mại giải ngân trực tiếp đến các trái chủ.
Đối với phần 30% giá trị gói trái phiếu đã phát hành còn lại, doanh nghiệp và các trái chủ thỏa thuận đàm phán với nhau theo quy định tại Nghị định 08/2023/NĐ-CP.
HoREA cho rằng, nếu có cơ chế, chính sách này sẽ tác động tích cực ngay lập tức; cùng với cơ chế, chính sách của Nghị định 08 sẽ tháo gỡ được khó khăn cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn và hỗ trợ các trái chủ.