Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trong quý I/2023, có thêm khoảng 50% sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động với hàng nghìn lao động phải mất việc.
Ước tính số môi giới đang hoạt động chỉ còn khoảng 30% - 40% so với giai đoạn đầu năm 2022. Đây là giai đoạn thách thức đối với những đơn vị môi giới không đủ năng lực cạnh tranh để tồn tại nhưng cũng là cơ hội để các đơn vị chuyên nghiệp vượt lên và phát triển bền vững hơn.
Làn sóng môi giới bất động sản nghỉ việc bắt đầu từ những tháng trước Tết năm ngoái. Nhiều sàn giao dịch cho 50% môi giới nghỉ việc không lương. Nguyên nhân do các môi giới bất động sản không nhận được lương trong nhiều tháng vì không có sản phẩm để bán.
Sang đến năm 2023, tình hình môi giới bất động sản cũng không khả quan hơn khi số lượng môi giới tự bỏ nghề gia tăng.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản, số đông môi giới bất động sản bỏ cuộc thường là nhân sự mới, chưa gắn bó lâu năm với nghề. Những công ty môi giới phải đóng cửa vì không nắm bắt, dự đoán được biến cố, xu thế của thị trường, không đủ năng lực về tài chính lẫn kế hoạch kinh doanh.
“Qua giai đoạn nút thắt này, những môi giới bất động sản “sống sót” được sẽ là người chiến thắng”, ông Đính nhận định.
Chị Thu Trang, môi giới một sàn bất động sản ở Hà Nội cho biết, nhiều nhân viên sàn chị đã nghỉ việc hoặc chuyển sang nghề khác do nhiều tháng không có giao dịch. Có người xác định nghỉ hẳn nhưng cũng có người tạm làm nghề khác chờ thị trường khởi sắc sẽ quay lại bán bất động sản.
Cũng theo chị Trang, bản thân không nghỉ hẳn, chị vẫn có giao dịch nhưng nhiều. Hơn nữa, lợi nhuận từ giao dịch không đáng bao nhiêu khi chị phải cắt gần như hết phần hoa hồng của mình để tặng thêm cho khách, cốt đã chốt được giao dịch.
Để vừa có thể duy trì được nghề môi giới, vừa trang trải sinh hoạt hàng ngày, từ giữa năm ngoái đến nay, chị Trang phải bán thêm thực phẩm online để có thêm thu nhập.
Hội Môi giới cho hay, đây là thời điểm thích hợp cho các nhà đầu tư sẵn tiền mua lại dự án hấp dẫn với giá phải chăng. Tuy nhiên, thị trường chưa trở lại tích cực, hoạt động môi giới cần thêm thời gian điều chỉnh.
Triển vọng nghề nghiệp của môi giới bất động sản là rất lớn. Song, Hội Môi giới đánh giá, đây cũng là một ngành nghề rất khó, nhiều thách thức do tính cạnh tranh cao. Điều này buộc các môi giới bất động sản phải luôn học hỏi, không ngừng nâng cao nghiệp vụ và giữ được đạo đức nghề nghiệp, uy tín với khách hàng.
Đáng chú ý, Luật kinh doanh bất động sản mới sẽ siết chặt hơn việc quản lý với hoạt động môi giới. Cụ thể, dự thảo quy định chặt chẽ hơn không cho môi giới hoạt động tự do mà phải dưới sự giám sát của sàn giao dịch.
Theo Hội Môi giới, về lâu dài, để hiện đại hóa việc cấp chứng chỉ môi giới, cần xây dựng phương án Bộ Xây dựng cấp chứng chỉ hành nghề, tổ chức xã hội nghề nghiệp đứng ra quản lý ngành nghề, quy định khóa học đào tạo bồi dưỡng, cập nhật kiến thức định kỳ cho người môi giới.
Về hình thức đào tạo và cấp chứng chỉ, cần bổ sung thêm quy định đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản online, học dưới hình thức e-learning, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch, quản lý dịch vụ thông tin, dữ liệu bất động sản. Qua đó, nâng cao chất lượng hoạt động, sự chuyên nghiệp của các nhà môi giới và giúp quản lý hoạt động của môi giới bất động sản hiệu quả hơn.
Theo số liệu thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cả nước có khoảng 300.000 môi giới bất động sản đang hoạt động. Tuy nhiên, số lượng môi giới được cấp chứng chỉ hành nghề rất khiêm tốn, đạt khoảng 35.000 người. |