Trên thế giới hiện có tổng cộng 13 tỷ thiết bị IoT, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 19%. Trong đó, có khoảng 2,7 tỷ thiết bị kết nối IoT sử dụng SIM, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm 12%. Phần lớn thị trường thiết bị IoT trên thế giới hiện thuộc về Trung Quốc. Quốc gia này sở hữu hơn 10 tỷ kết nối IoT, trong đó 1,84 tỷ thiết bị dùng SIM.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Research and Market, quy mô thị trường IoT Việt Nam đạt khoảng 2,5 tỷ USD năm 2021 và tăng trưởng với tốc độ 22,6%/năm. Đến năm 2027, Research and Market dự báo quy mô thị trường IoT Việt Nam sẽ đạt khoảng 8,5 tỷ USD.
Số liệu của Mason cho thấy, 90% lượng kết nối IoT Việt Nam sẽ nằm trong 25 kịch bản sử dụng. Trong đó, các kịch bản sử dụng phổ biến nhất với công nghệ NB-IoT là báo cháy, thiết bị gia dụng, nông nghiệp thông minh, đèn đường, công tơ điện thông minh...
Với các thiết bị IoT sử dụng kết nối mạng 4G/5G, chúng sẽ được ứng dụng nhiều vào việc kết nối ô tô, quản lý đội xe, camera, máy thanh toán (POS) và các kịch bản liên quan đến chăm sóc sức khỏe.
Chia sẻ về thị trường IoT Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hiệp, Giám đốc chuyển đổi số Deloitte Đông Nam Á cho hay, theo nghiên cứu của đơn vị này, đến năm 2027, tại Việt Nam sẽ có khoảng 14,8 triệu thiết bị kết nối IoT.
Các ứng dụng của IoT được chia thành 5 loại dịch vụ khác nhau, bao gồm kết nối, quản lý thiết bị, ứng dụng, quản lý và phân tích dữ liệu, học máy và trí tuệ nhân tạo.
Từ nay đến năm 2024, các ứng dụng của IoT tại Việt Nam sẽ tập trung chủ yếu vào kết nối và quản lý thiết bị. Tuy nhiên, mảng thị trường của 2 loại dịch vụ này sẽ dần thu hẹp lại, nhường chỗ cho các dịch vụ liên quan đến ứng dụng, quản lý và phân tích dữ liệu, học máy và trí tuệ nhân tạo.
Theo bà Hiệp, có rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực tại Việt Nam có tiềm năng để ứng dụng công nghệ IoT. Đó là năng lượng, giao thông vận tải, hậu cần và logistics, công nghiệp sản xuất và khai thác tài nguyên, ngành bán lẻ, chăm sóc sức khỏe và cả các hoạt động của Chính phủ.
Trong đó, nhóm ngành năng lượng có thể cần được ưu tiên, bởi mức độ phức tạp khi ứng dụng công nghệ IoT khá thấp. Kế đó là nhóm ngành liên quan tới giao thông vận tải, hậu cần và logistics với độ phức tạp ở mức trung bình.
Cụ thể hơn, Deloitte đề xuất Việt Nam nên ưu tiên ứng dụng IoT vào trong các thiết bị điện, hỗ trợ kết nối các xe ô tô và xe tải hạng nặng, quản lý đội tàu, giám sát việc vận chuyển hàng hóa và thanh toán tại các cửa hàng.
“Việt Nam cần nắm bắt xu hướng để đào tạo nhân lực với những kiến thức chuyên sâu sao cho phù hợp để đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải bắt tay nhau, tìm cách tạo ra thế “win-win” để cùng phát triển thị trường”, Giám đốc chuyển đổi số Deloitte khuyến nghị.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm di động Viettel Telecom, trong lĩnh vực IoT đang xuất hiện thêm 2 định nghĩa mới là IoV (Internet of Vehicle) và IoG (Internet of Government).
Trong đó, IoV là xu hướng kết nối Internet các phương tiện giao thông vận tải, theo dõi và giám sát phương tiện. Với IoG, đó là xu hướng kết nối trong các thành phố thông minh và trong dịch vụ hành chính công. Đây là những ứng dụng của IoT mà Việt Nam sẽ phát triển mạnh trong khoảng thời gian từ 3-5 năm tới.
Để thúc đẩy sự phát triển của thị trường IoT, ông Nguyễn Văn Sơn đề xuất cần thành lập Hiệp hội IoT Việt Nam. Đây là nơi để các doanh nghiệp trong ngành có thể cùng nhau chia sẻ các tri thức, giải pháp và những bài học kinh nghiệm của mình trong việc đưa công nghệ IoT ứng dụng vào cuộc sống. Theo đại diện Viettel, đây là một trong những giải pháp Trung Quốc đã thực hiện thành công nhằm biến quốc gia này thành thị trường IoT lớn nhất thế giới.