Doanh nghiệp tìm cách tồn tại
Có thể nói, từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản (BĐS) cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng đã rơi vào trầm lắng. Vài tháng gần đây, thị trường càng trở nên khó khăn hơn khi Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt rủi ro tín dụng vào BĐS và một số quy định bổ sung về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có hiệu lực.
Từ chuyện khó tiếp cận nguồn vốn, hiện các các doanh nghiệp kinh doanh BĐS càng khó khăn hơn. Ngoài tiến độ pháp lý dự án chậm, nguồn cung hạn chế thì thanh khoản sụt giảm cũng là các yếu tố làm cho các chủ đầu tư lẫn sàn giao dịch điêu đứng.
Khảo sát cho thấy, nhiều doanh nghiệp BĐS tại TP.HCM đang phải cắt giảm nhân sự, giảm lương của nhân viên để đưa chi phí hoạt động về mức thấp nhất. Mục tiêu hiện nay của các doanh nghiệp này là tìm cách tồn tại.
Được biết đến là đơn vị môi giới quy mô trên thị trường BĐS, lãnh đạo một doanh nghiệp ở TP.HCM cho biết vừa thông qua kế hoạch định biên nhân sự với mức cắt giảm nhân viên lớn nhất từ khi thành lập công ty.
Cụ thể, công ty đã đánh giá lại năng lực để xác định số nhân viên đủ điều kiện đáp ứng vị trí công việc, từ đó cắt giảm các chi phí không cần thiết. Như một chi nhánh trước đây có 800 nhân viên bán hàng thì nay chỉ còn 150 người.
“Quy mô các chi nhánh bị thu hẹp. Bộ phận hành chính, văn phòng của toàn công ty cũng tinh giảm còn 100 người. Biết là khó khăn nhưng nếu không cắt giảm nhân viên thì công ty không thể cầm cự đến cuối năm nay”, lãnh đạo công ty này chia sẻ.
Một doanh nghiệp BĐS quy mô khác tại TP.HCM cũng vừa có kế hoạch về nhân sự để ứng phó với tình hình khó khăn chung của thị trường.
Không chỉ tạm ngưng tuyển nhân sự mới, từ tháng 10/2022 đến tháng 3/2023, công ty này còn cắt giảm lương nhân viên theo phương thức luỹ tiến. Mức lương nhân viên bị cắt giảm cao nhất lên đến 35%.
Giám đốc một sàn giao dịch BĐS có quy mô 100 nhân viên tại TP.Thủ Đức cho biết, công ty ông cũng vừa cắt giảm 30% nhân sự để giảm quỹ lương.
Theo vị này, một số doanh nghiệp có chính sách trả lương cứng mà ông biết đều đã giảm lương nhân viên. Còn tại những công ty mà thu nhập của nhân viên chủ yếu nhờ hoa hồng thì hầu như vẫn duy trì. Tuy vậy, số lượng nhân viên nghỉ việc ngày càng nhiều vì bán không được hàng.
Vay vốn ngoài xã hội với lãi suất cao
Trong bối cảnh thị trường BĐS trầm lắng và có nguy cơ rơi vào suy thoái, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng, các doanh nghiệp địa ốc đang đối mặt với vô vàn khó khăn.
Một số doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô đầu tư, sản xuất kinh doanh như: Hoãn hoạt động đầu tư; dừng thi công dự án hiện hữu hoặc không triển khai dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu để tăng vốn.
Theo ông Châu, thậm chí có một số doanh nghiệp BĐS đã phải cắt giảm 50% nhân sự hoặc giảm lương của nhân viên. Vì “đói vốn” nên một số công ty phải chấp nhận vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao.
Ngoài ra, việc thiếu hụt dòng tiền dẫn đến các chủ đầu tư phải bán sản phẩm với mức chiết khấu sâu, có nơi chiết khấu đến 40% giá trị hợp đồng. Điều này sẽ gây rủi ro cho người mua bởi phần lớn những sản phẩm này là nhà ở hình thành trong tương lai.
Chủ tịch HoREA nhận định, những khó khăn của thị trường BĐS hiện nay có một số điểm tương đồng so với giai đoạn 2008 – 2013, thời kỳ thị trường nhà ở bị “đóng băng”.
Để thị trường BĐS an toàn và bền vững, Chủ tịch HoREA kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét nới giới hạn tín dụng thêm từ 1% đến 2% để có thêm nguồn vốn từ 100.000 đến 200.000 tỷ đồng hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm.