Có thể nói Path of Exile là một tựa game vô cùng hấp dẫn đối với cộng đồng game thủ trên toàn thế giới. Tuy không thể phủ nhận sự tương đồng với tựa game huyền thoại Diablo nhưng Path of Exile vẫn có những nét đặc trưng riêng và đúng với tiêu chí là kế thừa chứ không hề sao chép. Với thời gian thai nghén kéo dài lên tới gần 10 năm, đội ngũ những người sáng tạo và vận hành POE quả thực là những cá nhân vừa xuất chúng, vừa tràn đầy nhiệt huyết và đam mê.

Tháng 01/2013, POE đã được ra mắt và trải qua rất nhiều những bản cập nhật, từ một POE còn rất nhiều khuyết điểm như lag, bug game, lỗi skill… POE đã dần hoàn thiện mìnnh với nhiều tính năng mới, ổn định hơn giúp người chơi có được những trải nghiệm tuyệt vời từ những chuyến phiêu lưu trong game.

Tuy nhiên, không phải một game cứ thành công trên thế giới là sẽ thành công tại một quốc gia bất kỳ. Và có lẽ chúng ta cũng không muốn nhớ đến những tựa game tuyệt vời nhưng lại “chết yểu” tại Việt Nam như CABAL, Granado Espada hay Sudden Attack. Khi POE được Garena phát hành tại Malaysia và Singapore thì cộng đồng game thủ Việt Nam cũng rất hy vọng POE cũng sẽ được Garena mang về Việt Nam, nhưng liệu như vậy có nên hay không? Và POE có đi vào vết xe đổ của những tựa game đã chết yểu hay không

1. Game kén người chơi và có sự phân hóa rõ ràng

Có lẽ cách dễ nhất để kiểm chứng là bạn hãy tự mình phiêu lưu vào thế giới của Path of Exile. Khi lập nhân vật, nếu bạn chọn Standard League (mặc định), nhân vật của bạn có thể chết thoải mái và hồi sinh tại thành. Nhưng điểm hấp dẫn của POE là ở chế độ Hardcore với tỉ lệ rơi vật phẩm quý giá cao hơn nhiều lần và đương nhiên quái cũng sẽ khỏe tương đương tỉ lệ rơi đồ đó. Đúng như cậu nói phổ biến bây giờ “YOLO!” bạn chỉ có một mạng thôi, hãy trân trọng nó vì nếu bạn chết ở Hardcore League, nhân vật và toàn bộ số đồ đạc quý giá của bạn sẽ bị đưa xuống Standard League.

Điều đáng nói là đa số người chơi sẽ chọn Hardcore, đồng nghĩa với việc luôn đối mặt với khả năng đập vỡ bàn phím bất cứ lúc nào. Và theo như phần đông những người chơi, trong 2 đến 3 lần đầu làm quen với POE bạn sẽ bỏ mạng ở khoảng level 10 (level max của trò chơi là 100). Còn sau đó, việc chơi tiếp hay không là tùy ở bạn. Tất nhiên POE cũng hiểu điều này và không nhất thiết bạn phải chơi 1 mạng khó khăn như vậy, vẫn có rất nhiều League khác dành cho bạn với độ khó thấp hơn (Standard và Domination/Anarchy) và chết thoải mái nhưng dẫu vậy, hardcore vẫn luôn là đỉnh núi mà các game thủ muốn chinh phục.

2. Không phải cứ có tiền là mua tiên cũng được

Đơn giản vì POE không có hệ thống tiền tệ là vàng, bạc hay bất kỳ đơn vị quy ước nào. Khi bán đồ đạc trong game và đánh quái, bạn sẽ nhận được các viên đá, ngọc… (orb, gem) và đây cũng là thứ để trao đổi và mua bán đồ đạc giữa người chơi. Các viên orb này cũng không bán trong cash shop và không thể mua bằng cách dùng tiền thật nạp vào game như  đa số các tựa game ăn khách tại Việt Nam.

Hòm đồ (Inventory) và rương (Stash) tràn ngập các loại ngọc và đá quý

Điều đó đồng nghĩa với việc, sẽ không có chuyện đại gia đứng top server nhờ đồ khủng mua bằng tiền thật lên tới hàng chục, thâm chị hàng trăm triệu đồng…bạn chỉ muốn chơi game để giải trí và không muốn nạp tiền quá nhiều vào game, POE chào đón bạn. Nhưng việc nhân vật của mình khỏe và đứng top server vẫn là một miếng mồi hấp dẫn và việc không thể nạp tiền để làm điều này cũng là một hạn chế của POE nếu phát hành tại Việt Nam.

3. Lối phát triển nhân vật quá đa dạng và phức tạp

Ngoài việc lựa chọn giữa 1 trong 6 lớp nhân vật của game, mỗi nhân vật đều có 3 chỉ số: Strength (tăng máu và phòng thủ), Intelligence (tăng mana và sát thương phép), Dexterity (tăng chí mạng và né tránh) cùng với một cây kỹ năng mà độ phức tạp của nó có thể làm nản lòng bất kỳ một game thủ kỳ cựu nào. Và cách tăng điểm ở cây kỹ năng này sẽ quyết định thiên hướng nhân vật của bạn.

4. Tính cộng đồng hạn chế

Dù cộng đồng game thủ Việt Nam vẫn bị nhận nhiều lời chỉ trích từ nội bộ cũng như dư luận nhưng không thể phủ nhận một sự thật, đó là tính cộng đồng của game thủ Việt Nam rất cao, và việc được trò chuyện, đồng hành với nhau trong những sự kiện bang phái, clan,…dường như là một món ăn tinh thần không thể thiếu của các game thủ Việt khi chơi game.

Những chuyến công thành, war thế giới, kill boss bang phái, xâm lược…đã trở thành một trong những sự kiện hàng ngày, hàng tuần mà mỗi game thủ Việt khi chơi game đều ngóng đợi. Bên cạnh đó là việc có thể trò chuyện, “chém gió” với nhau cũng níu chân các game thủ lại với game trong những lúc “ngán game”.

Path of Exile có một kênh thế giới để tất cả các game thủ có thể trò chuyện với nhau và hệ thống kết bạn, tuy nhiên tất cả chỉ dừng lại ở đó, ở những dòng chữ. Path of Exile nối kết các game thủ ở các tổ đội còn hiện nay, các sự kiện mang tính chất toàn server vẫn còn là một khoảng trống lớn mà POE chưa thể lấp đầy. Các game thủ không thể tham gia bất kỳ điều gì cùng nhau nếu không trong cùng một tổ đội và dường như đó cũng là một rào cản rất lớn đối với một cộng đồng mà tính kết nối lớn như tại Việt Nam.

5. Path of Exile có thu hút được phái nữ không?

Không thể phủ nhận game cũng là cầu nối hữu ích giúp các game thủ kết bạn bốn phương và không ít cặp đôi đã tìm được nhau từ thế giới ảo. Qua những phần miêu tả ở trên và theo đánh giá chung của các chuyên gia, Path of Exile là một game có độ khó cao và rất ít nữ giới “tiêu hóa” được trò chơi này, thậm chí là tại Mỹ hay Hàn Quốc - những cái nôi của esport và game hardcore. Đôi khi việc thiếu vắng những bóng hồng trong game cũng phần nào làm nguội tinh thần chơi game của các game thủ nước nhà, vì phàm là anh hùng, ai chẳng muốn che chở nâng đỡ mỹ nhân.

Kết

Kết lại, dù là một fan bự của POE nhưng thực sự tôi không muốn nhìn thấy tựa game yêu thích của mình không được lòng các game thủ nước nhà và sẽ lại sớm bị đóng cửa. Và dù vẫn phải chơi tại server nước ngoài - đồng hành với lag, ping 3 chữ số và văng game, nhưng một điều khó với tới vẫn tốt hơn một thứ bị lạnh nhạt.

Không thể phủ nhận có một cộng đồng rất lớn tại Việt Nam vẫn yêu thích và say mê Path of Exile nhưng có lẽ hãy cứ để thời cơ chín muồi rồi điều gì đến sẽ đến.