Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 8/2023, doanh số bán hàng của các hãng xe thành viên VAMA và một số đơn vị công khai thông tin đạt 22.540 xe, giảm 9% so với tháng trước và giảm 27% so với tháng 8/2022. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại thị trường xe đã qua sử dụng, thậm chí còn có phần “bi đát” hơn. Đặc thù của thị trường ô tô cũ là giao dịch “thuận mua vừa bán”. Các đại lý showroom ô tô cũ thường không đưa ra các chương trình ưu đãi như các đại lý phân phối xe mới mà chủ yếu kiếm lời từ hoạt động “lướt” xe.
Theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng – Viện trưởng Viện thương mại và kinh tế quốc tế, dù là thị trường thứ cấp nhưng không thể “làm ngơ” vì liên quan đến nhiều khía cạnh. "Thứ nhất là tận dụng được xe cũ tránh lãng phí cho xã hội. Thứ hai là đối với đối tượng thu nhập thấp hay trung bình thì sử dụng xe oto cũ là một lựa chọn tốt. Thứ ba là trong điều kiện bây giờ sự chuyển đổi thu nhập rất mạnh nên có 1 bộ phận dân cư thu nhập cao chuyển đến mua những xe xa xỉ dắt tiền thì họ có nhu cầu thải loại xe cũ ra. Như vậy có nghĩa là hình thành thị trường thứ hai và thị trường này chắc chắn mua đi bán lại thì theo cơ chế thị trường tạo ra giá trị tạo ra việc làm, giải quyết công việc, thu nhập cho 1 bộ phận dân cư", ông Lạng nói.
Thực tế khi thị trường trầm lắng, xe mới giảm giá mạnh, người tiêu dùng cũng không mấy mặn mà với xe cũ. Các chủ kinh doanh xe cũ buộc phải bán “cắt lỗ” để giải phóng lượng xe hiện có, chưa có kế hoạch nhập thêm xe về showroom của mình.
Nhiều người buôn xe cũ nhận định, đã gần 2 tháng kể từ khi chính thức áp dụng biển số định danh theo Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ Công an, tình hình kinh doanh xe cũ vốn đã trầm lắng, nay lại càng “lặng” hơn. Ông Nguyễn Khang Kiên – Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ Kiên Cường (Kiên Cường Auto) nhận định: "Thủ tục pháp lý sau thông tư 24 có 3 khó khăn. Đầu tiên là thủ tục tìm chủ phương tiện cũ, có những chủ đã ký uỷ quyền cách đây khoảng 3-5 năm, hoặc có công ty xuất hoá đơn cho 1 cá nhân hay đoàn thể nào đó trong vài năm trở lại đây thì hiện tại không rút được những bộ hồ sơ đó. Hoặc là có những chủ phương tiện đã chuyển ra nước ngoài sinh sống hoặc chuyển vào SG hoặc là họ hy sinh rồi nên đang vướng những xe đó."
Do đó, phần nào cũng ảnh hưởng tới công việc buôn bán trên thị trường xe ô tô cũ như chia sẻ của ông Nguyễn Đoàn – Chủ một cửa hàng xe ô tô cũ tại quận Cầu Giấy, Hà Nội: "Trước kia khi bán một chiếc xe cũ mình chỉ cần sang tên cho khách trong 2-3 ngày. Còn bây giờ có những xe 1 tháng mới rút được hồ sơ. Khách chỉ chỉ trả một nửa tiền và nợ lại số còn lại đợi khi rút được hồ sơ thì thanh toán nốt. Và thế là mình đọng 50% vốn khoảng 1 tháng nên rất khó khăn".
Với những khó khăn đó, các chuyên gia nhận định, sự phục hồi của thị trường ô tô cũ sẽ có độ trễ nhất định so với thị trường chung. Việc quy định các thủ tục hành chính là điều cần thiết cho sự ổn định của nền hành chính quốc gia. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng – Viện trưởng Viện thương mại và kinh tế quốc tế cho rằng, cần phải có giải pháp đồng bộ để vừa phát triển hệ thống quản trị theo hướng chính phủ số nhưng cũng phải tạo điều kiện cho thị trường phát triển.
"Tôi nghĩ rằng cần nghiên cứu thêm công cụ mới, thậm chí tạo ra thị trường ngách cho thị trường oto cũ phát triển. Bởi vì xu hướng dùng nhiều oto và thị trường oto sẽ bùng nổ, mà xu hướng đó mình không cản lại được. Nếu không giải quyết được thị trường oto cũ thì thị trường oto mới chắc chắn bị trì trệ. Bởi vì người ta không thể thải oto cũ để mua oto mới hơn nữa nên tôi cho rằng sự phức tạp này sẽ cản trở gây ra thêm sự khó khăn khác", PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nhận định.
Thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam cho thấy, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người dùng hạn chế mua các mặt hàng xa xỉ, chuyển dịch sang các dòng xe tầm trung và giá rẻ. Và từ đầu năm 2024, nếu thị trường xe sản xuất mới bật tăng trở lại mới có thể kéo theo sự phục hồi của thị trường xe cũ.
Theo VOV