Xoay sở giảm dư nợ trái phiếu
Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng - DIC Corp. (DIG) hôm 17/11 công bố đã hoàn tất việc mua lại trước hạn 1.600 tỷ đồng hai lô trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành năm 2021 và đáo hạn năm 2024.
Hai lô trái phiếu có tổng giá trị 2.500 tỷ đồng. Do vậy, DIC Corp. vẫn còn nợ các trái chủ 900 tỷ đồng.
Động thái của DIC Corp. diễn ra trong bối cảnh làn sóng mua lại TPDN diễn ra rất mạnh trong hơn 6 tháng qua, sau những sai phạm trong phát hành trái phiếu của Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát. Nhiều cái tên có hoạt động mua lại nổi bật như: HAGL, Cơ điện lạnh (REE), Tập đoàn Gelex, Chứng khoán Tân Việt (TVSI), Hưng Thịnh Land, Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS),...
Theo Bộ Tài chính, từ đầu năm đến giữa tháng 11, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 152.500 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo FiinRatings, riêng trong tháng 10, dư nợ trái phiếu nội địa giảm hơn 15,8 nghìn tỷ đồng do các doanh nghiệp mua lại, đáo hạn và thực hiện các phương án “hàng đổi hàng”, cũng như chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay như một biện pháp tái cấu trúc nợ được thực hiện thời gian qua. Đây là dấu hiệu tích cực cho vấn đề thanh khoản, giúp giải quyết vấn đề áp lực dòng tiền trả nợ trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu, gần đây có hiện tượng bán tháo trái phiếu. Sự khủng hoảng và hiệu ứng domino khiến tất cả các bên đều bị thiệt: nhà đầu tư lo lắng cho túi tiền của mình, nhà phát hành lo lắng bị điều tra mua lại trái phiếu một cách vội vàng cũng như cơ quan quản lý chịu áp lực. Còn quỹ đầu tư trái phiếu bị đẩy vào tình trạng mất thanh khoản.
Áp lực đáo hạn giảm
Hoạt động mua lại và các biện pháp khác làm quy mô tín dụng trái phiếu cũng như áp lực đáo hạn đến cuối năm 2022 giảm đáng kể.
Theo ông Nguyễn Tùng Anh, chuyên gia FiinRatings, tổng giá trị trái phiếu bất động sản sẽ đáo hạn sau ngày 15/11/2022 đến ngày 31/12/2022 chỉ còn ở mức 21,85 nghìn tỷ đồng.
Trái phiếu bất động sản hiện là tâm điểm của thị trường. Tới cuối tháng 10, giá trị trái phiếu bất động sản đang lưu hành có quy mô 445 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 34% trong tổng giá trị trái phiếu riêng lẻ đang lưu hành.
Mặc dù số dư này không lớn, nhưng theo ông Tùng Anh, phần nhiều lại được phát hành bởi các doanh nghiệp chưa niêm yết và hầu như không có thông tin tài chính về tổ chức phát hành.
Bên cạnh đó, áp lực đáo hạn còn ở mức đáng kể với hơn 119.000 tỷ đồng trong năm 2023 và 111.810 tỷ đồng trong năm 2024.
Thị trường “đóng băng”, doanh nghiệp tìm kênh mới
Mặc dù áp lực đáo hạn trái phiếu không còn quá lớn, nhưng nỗi lo hiện nay là niềm tin suy giảm đối với kênh dẫn vốn dài hạn cho cộng đồng doanh nghiệp. Thị trường TPDN đóng vai trò rất quan trọng tại các nước phát triển, nhưng mới manh nha tại Việt Nam và đang gặp khó.
Hoạt động phát hành trên thị trường sơ cấp trong tháng 10 gần như “đóng băng”, với chỉ một đợt phát hành riêng lẻ nội địa.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, sự sụp đổ thị trường trái phiếu là hậu quả sự phát triển ồ ạt nhưng không vững chắc thời gian qua. Giải pháp hiện tại là cần “chặn vết thương đang chảy máu” và sau đó, thị trường trái phiếu cần được cải tổ một cách toàn diện.
Theo kế hoạch Bộ Tài chính sẽ có cuộc họp về thị trường chứng khoán và TPDN vào sáng 23/11.
Trong khi kênh TPDN đang “đóng băng”, nhiều doanh nghiệp xoay sang và thành công trong việc huy động vốn vay quốc tế. Mười giao dịch gần đây có trị giá 1,915 tỷ USD, gồm: Masan (600 triệu USD), VPBank (500 triệu USD), SeABank (200 triệu USD)...