LTS: Trong loạt bài viết ‘Tranh đương đại Việt Nam: Thị trường và hướng đi’, chúng tôi muốn đưa ra góc nhìn thấu đáo có thể làm rõ phần nào các vấn đề: thị trường tranh đương đại giao dịch ra sao; dòng tranh và trường phái nghệ thuật nào được ưa chuộng nhất; khách hàng chủ yếu đến từ đâu; khó khăn, thách thức cũng như cơ hội cho các gallery và họa sĩ.
Những bức tranh triệu USD
Những năm gần đây, khi ăn no mặc ấm không còn là nỗi lo thường nhật của đa số dân chúng thị thành thì các “món ăn” nghệ thuật như phim ảnh, ca nhạc, sách, tranh... mới có nhiều đối tượng khách hàng tìm đến để thưởng lãm.
Những ai quan tâm và yêu mến các tác phẩm hội họa hẳn không thể bỏ qua thông tin về một số bức tranh có giá hàng trăm ngàn USD. Bức tranh Việt đắt nhất tính đến thời điểm là Chân dung cô Phượng của họa sĩ Mai Trung Thứ (1906-1980) được định giá lên tới 3,1 triệu USD. Tuy nhiên, giao dịch triệu đô ấy mới thành công tại phiên đấu Beyond Legends: Modern Art Evening Sale ở Sotheby's ở Hong Kong.
Nhóm họa sĩ Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu, Lê Phổ, Mai Trung Thứ còn được mệnh danh là “tứ kiệt trời Âu” của hội họa Việt Nam. Vì thế, chẳng mấy ngạc nhiên khi họ có tranh được giao dịch với giá cao nhất hiện nay trên các sàn đấu giá quốc tế.
Tuổi đời “dày dặn” của bức tranh - tác phẩm Chân dung cô Phượng được tác giả vẽ vào những năm 1930 - cũng là một trong những yếu tố giúp cho buổi đấu giá thành công. Nhưng có một điều không thể không nhắc đến giúp tạo ra con số trong mơ 3,1 triệu USD chính là sự chuyên nghiệp trong khâu tổ chức.
Thị trường non trẻ và thiếu sự chuyên nghiệp
Người viết đã trao đổi với các chủ phòng tranh nhằm tìm hiểu đối tượng khách hàng của các gallery hoặc studio của họa sĩ, thấy rằng người sưu tập tranh được chia ra hai nhóm chính: khách hàng chơi tranh trực tiếp và khách hàng chơi tranh gián tiếp.
Khách hàng chơi tranh trực tiếp có thể hiểu là những người yêu thích hội họa, tìm kiếm sưu tầm để treo trong nhà, làm đẹp không gian tiếp khách, các phòng ngủ. Đối tượng này phần lớn tìm đến các bức tranh vừa tầm mắt, tầm tiền... có thể vui vẻ chấp nhận mọi hình thức như tranh chép, tranh giả, tranh in…
Nhóm khách hàng này phần đông là người Việt mua tranh của người Việt “làm ra”. Họ giao dịch trực tiếp theo kiểu thuận mua vừa bán mà không quan tâm nhiều đến các vấn đề khác như danh tiếng họa sĩ, tuổi tranh, giám tuyển... Tuy nhiên, ở nhóm này cũng xuất hiện dân chơi tranh có số má và trước khi “xuống tiền” trong đầu họ luôn tồn tại 2 sự tính toán: tính nghệ thuật của bức tranh và khi cần tiền có thể bán lại bức tranh đó không? Tư duy này gọi là chơi có tính toán đến mục đích sinh lời.
Nhóm chơi tranh gián tiếp là nhóm khách hàng chơi tranh theo nghĩa đầu tư. Yếu tố lợi nhuận luôn được đặt lên hàng đầu và họ đủ kiến thức, thông tin để đầu tư vào tranh của họa sĩ nào, chất liệu gì, xu hướng nghệ thuật trong nước, quốc tế. Nhóm này mua tranh bằng cả chiến lược có “lập trình” rõ ràng và luôn xác định đây là cuộc đầu tư dài hơi bởi từ xưa đến nay, từ Tây đến ta phần lớn “các họa sĩ giàu hơn sau khi đã lìa trần”.
Họa sĩ đương đại Việt không ít người tài năng. Tranh đương đại không ít bức có thể trở thành Chân dung Cô Phương của họa sĩ Mai Trung Thứ, hoặc Nude của họa sĩ Lê Phổ, Vỡ mộng của Tô Ngọc Vân. Song để “đủ tuổi” cho tranh thì ngoài thời gian các vấn đề khác như: giám tuyển, truyền thông, quảng bá đều phải song hành một cách chuyên nghiệp và có chiến lược hiệu quả.
Thời nay, có nhiều người Việt sưu tầm tranh đương đại Việt, đây là tín hiệu đáng mừng cho nền hội họa của chúng ta. Nhưng nếu chỉ người Việt đầu tư tranh Việt rồi lại giao dịch trao tay cho người Việt... coi đó như hàng hóa tiêu dùng phổ thông thì rất lâu và rất khó để các tác phẩm hội họa Việt Nam đủ tầm vươn ra thị trường thế giới.
Vai trò trung gian đang bị đứt gãy
Bàn về vai trò của các chủ thể trung gian, nhà sưu tập Việt Ngô nhấn mạnh: “Trong thị trường tranh, vai trò của các chủ thể trung gian là một mắt xích quan trọng. Họ là ai? Họ là những sàn giao dịch, các nhà giám tuyển (curator) và các phòng tranh. Ngoài việc môi giới tranh, những đơn vị trung gian còn phát hiện tác giả tài năng và tác phẩm chất lượng. Họ tạo ra sân chơi chuyên nghiệp và sàng lọc tác phẩm trước khi đến tay nhà sưu tập. Ở thị trường quốc tế, vai trò của đơn vị trung gian rất được đề cao, gần như không thể thiếu sự xuất hiện của họ trong các thương vụ giao dịch. Nhưng ở nước ta, rất tiếc là nhiều khi vai trò của họ bị bỏ qua. Có nhiều lý do để biện giải, nhưng tôi nghĩ lợi nhuận là một trong những vấn đề chính”.
Chủ của một trong số ít phòng tranh đương đại còn hoạt động tại Hà Nội cho biết: “Quy trình làm việc theo chuỗi, theo hướng chuyên nghiệp hóa để bổ trợ nhau đang bị đảo lộn, phá vỡ. Hiện giờ, tôi chủ yếu chỉ bán những bức tranh đầu tiên của họa sĩ, sau đó các nhà sưu tập tự liên hệ với họa sĩ. Đã có câu chuyện hậu trường đau lòng, đôi khi người ta đi tắt, bỏ ngang vai trò trung gian vì lợi nhuận dù phòng tranh phải đầu tư chi phí ban đầu cho họa sĩ rất lớn. Đây là một sự tổn thương ghê gớm”.
“Đầu tư cho họa sĩ trẻ ở một thị trường mới như Việt Nam là một cách đầu tư mạo hiểm, vai trò của trung gian rất dễ bị bỏ qua, vì nhiều lý do nhưng đa số là do lợi nhuận. Có những phòng tranh hỗ trợ họa sĩ ở các giai đoạn khó khăn nhất nhưng khi thành công không có mấy nơi được nhớ tới. Đây là một vấn đề nan giải cản trở sự chuyên nghiệp hóa của thị trường. Các tổ chức trung gian là một mắt xích quan trọng để đưa tác phẩm chất lượng đến với công chúng. Không như lĩnh vực kinh doanh khác, những đơn vị trung gian này hiểu về nghề, am hiểu thị trường và cả nghệ thuật, họ làm việc chuyên nghiệp và tôi nghĩ rằng họa sĩ trẻ cũng nên hoạt động một cách chuyên nghiệp hơn”, họa sĩ Trần Lâm Bình chia sẻ.
Thực tế, đây không phải tình huống hiếm gặp trong bất kỳ lĩnh vực nào, nhưng đối với thị trường nghệ thuật điều này vô tình tạo ra hệ lụy, vai trò trung gian bị mất sẽ thiếu đi đánh giá khách quan và việc tổ chức tác phẩm một cách chỉn chu. Nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp thường giao phó cho những đơn vị trung gian làm việc với họa sĩ để các tác phẩm trước khi đến với tay họ đã được sàng lọc.
Chơi tranh, dù trực tiếp hay gián tiếp vẫn là cuộc chơi của tầng lớp có tiềm năng kinh tế và mỹ cảm cao. Đích đến cuối cùng của cuộc chơi là trả lại đúng giá trị nghệ thuật của một loại hàng hóa đặc biệt. Bỏ qua chuyện may rủi thì “yếu tố nào tạo nên giá trị một bức tranh?” vẫn là một câu hỏi lớn.
Đông Phong
Kỳ 2: Câu chuyện ẩn sau những bức tranh triệu đô