Với 100% thành viên tán thành, chiều 15/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất thông qua Nghị quyết về việc thành lập các phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.
Theo Nghị quyết, thành phố Phổ Yên được thành lập trên cơ sở nguyên trạng 258,42 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 231.363 người và 18 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 13 phường và 5 xã).
Ngoài 4 phường hiện hữu, thành phố Phổ Yên có thêm 9 phường được nâng cấp nguyên trạng từ các xã của thị xã Phổ Yên cũ gồm: Đắc Sơn, Nam Tiến, Tiên Phong, Đông Cao, Tân Phú, Thuận Thành, Hồng Tiến, Tân Hương, Trung Thành.
Thành phố Phổ Yên giáp huyện Đại Từ, huyện Phú Bình, thành phố Sông Công, thành phố Thái Nguyên; tỉnh Bắc Giang; tỉnh Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội.
Tạo nhiều cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho người dân
Trình bày báo cáo của Chính phủ về nội dung này, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sau khi thành lập thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên không thay đổi về diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trực thuộc, nhưng tăng 1 thành phố, giảm 1 thị xã, giảm 9 xã và tăng 9 phường.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà |
Theo Bộ trưởng Nội vụ, thành phố Phổ Yên tiếp giáp với Hà Nội, có chức năng là trung tâm kinh tế, thương mại và dịch vụ phía Nam của Thái Nguyên. Với vị trí địa lý và giao thông thuận lợi, trên địa bàn Phổ Yên đã có rất nhiều khu công nghiệp, tạo nhiều cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Vì thế, việc thành lập thành phố Phổ Yên sẽ tạo thuận lợi cho việc thiết lập mô hình tổ chức chính quyền đô thị, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn đô thị Phổ Yên nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá, việc thành lập thành phố Phổ Yên sẽ có nhiều tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hoá, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội cũng như đời sống của người dân trên địa bàn.
Song cơ quan thẩm tra cũng lưu ý sẽ có nhiều vấn đề phát sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đời sống của người dân, môi trường, quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan đô thị trên địa bàn…
Vì vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ, chính quyền tỉnh Thái Nguyên có định hướng, giải pháp toàn diện đầu tư xây dựng, phát triển thành phố Phổ Yên và các phường sau khi được thành lập, bảo đảm phát triển đô thị theo hướng bền vững.
Để các cơ quan, tổ chức và địa phương kịp thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho hoạt động của đơn vị hành chính mới được thành lập, cơ quan thẩm tra đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên khẩn trương xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập các phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành phố Phổ Yên.
Trong đó nêu rõ tiến độ, yêu cầu đối với việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và việc đổi tên gọi, thay đổi con dấu, chuyển đổi các loại giấy tờ cần thiết nếu tổ chức, người dân trên địa bàn có yêu cầu.
Bí thư Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải cho biết, ngày mai Thái Nguyên trao giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Sam Sung mở rộng đầu tư vào nhà máy Sam Sung điện cơ đặt tại Phổ Yên. Đây là kết quả của chuyến công tác mà Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên tháp tùng cùng Chủ tịch Quốc hội thăm chính thức Hàn Quốc. Theo đó Sam Sung chính thức tăng vốn đầu tư thêm gần 1 tỉ USD.
"Sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Phổ Yên trở thành nơi rất hấp dẫn với các nhà đầu tư", bà Hải nhấn mạnh.
Bí thư Thái Nguyên cam kết sẽ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, chỉ tiêu, giữ cho Phổ Yên sẽ là cực tăng trưởng cho tỉnh trong thời gian tới. Đây cũng là nơi giúp cho Thái Nguyên trong thời gian tới có thể thực hiện mong muốn của Bác Hồ khi Người về thăm Thái Nguyên năm 1964. Đó là xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những tỉnh giàu có và phồn thịnh nhất miền Bắc nước ta.
Thu Hằng
Bí thư Thái Nguyên trải lòng về bước lội ngược dòng giữa đại dịch
Nhân dịp Xuân Nhâm Dần, VietNamNet đã có cuộc trò chuyện với Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải về bước lội ngược dòng trong phát triển kinh tế xã hội giữa đại dịch Covid-19.