Thói quen rèn luyện sức khoẻ tại Việt Nam lan rộng kể từ giai đoạn đại dịch đến nay, kéo theo nhu cầu cao về các thiết bị luyện tập có liên quan, trong đó có đồng hồ đeo tay.
Ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc khối viễn thông di động hệ thống FPT Shop cho hay, kể từ lần đầu mở cửa hàng chuyên bán đồng hồ Garmin đến nay, mức tăng trưởng sản phẩm luôn rất ấn tượng.
“Cửa hàng Garmin Brand Store đầu tiên ở Hà Nội có mức tăng trưởng năm sau cao gấp đôi năm trước. Không thể phủ nhận người Việt ngày càng chú trọng đến sức khoẻ, kéo theo nhu cầu mua sản phẩm Garmin rất lớn”, ông Kha chia sẻ với ICTnews.
Bên cạnh đó, ngày càng nhiều giải chạy bộ được tổ chức tại Việt Nam kéo theo trào lưu tập luyện của mọi người, thúc đẩy nhu cầu mua sản phẩm hỗ trợ.
Khách tìm hiểu dòng sản phẩm đồng hồ Garmin phục vụ luyện tập thể thao. (Ảnh: Hải Đăng) |
Garmin là hãng công nghệ Mỹ chuyên bán các sản phẩm GPS, được biết đến nhiều tại Việt Nam với các dòng đồng hồ chuyên biệt cho tập luyện thể thao. Sản phẩm của hãng dẫn đầu ngành vì độ bền cao, khả năng đo chính xác các thông số tập luyện. Để cạnh tranh với nhiều hãng khác đang nổi lên, Garmin bắt đầu thiết kế sản phẩm thời trang hơn, nhắm đến nhiều phân khúc khách hàng hơn.
Từ vài năm trước, Garmin đã xâm nhập thị trường Việt Nam và đang mở các cửa hàng chuyên bán sản phẩm của họ tại đây.
Sáng 7/5, Garmin kết hợp với FPT Shop mở cửa hàng Brand Store thứ hai, bên cạnh cửa hàng đầu tiên ở Hà Nội. Ngoài việc bán hàng, địa điểm mới này còn thực hiện bảo hành, sửa chữa sản phẩm.
Dải sản phẩm đồng hồ Garmin khá rộng, từ hơn 2 triệu đồng đến vài chục triệu, có sản phẩm gần 50 triệu đồng. Ông Nguyễn Thế Kha cho hay phân khúc bán chạy nhất vẫn là dòng sản phẩm phục vụ chạy bộ - Garmin Foreruner - với giá bán từ 4-9 triệu đồng.
Ngoài ra, các sản phẩm cao cấp trên 20 triệu đồng cũng được một bộ phận người chơi thể thao thường xuyên và giới đánh golf chọn mua.
“Doanh số Garmin ở mảng thiết bị đeo hiện chỉ đứng sau Apple, chiếm khoảng 10% giá trị của mảng này ở FPT Shop”, ông Kha thông tin.
Ngoài cửa hàng tại Hà Nội và tại TP.HCM vừa khai trương, phía FPT Shop dự định mở thêm các cửa hàng Garmin mới ở các thành phố lớn tại Việt Nam.
Như nhận định của nhiều chuyên gia khác, ông Kha đánh giá Garmin có phân khúc khách hàng riêng, không vướng cạnh tranh mạnh từ các hãng khác. Tuy vậy, mảng đồng hồ thời trang của hãng sẽ phải đối mặt với nhiều đối thủ mạnh.
Garmin thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam hồi tháng 1/2021. Hãng đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường nổi bật nhất Đông Nam Á. Trong vòng 3 năm qua tính tới 2021, doanh thu trong lĩnh vực thể thao ở khu vực ASEAN của hãng này đạt kết quả vượt ngoài mong đợi, với tốc độ tăng trưởng hơn 120%. Trong khi đó ở các sản phẩm hoạt động ngoài trời, tốc độ tăng trưởng là hơn 175%.
Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch, các báo cáo của Garmin vẫn ghi nhận doanh thu cao trong quý 3 năm 2020, với đà tăng trưởng hơn 31% mỗi năm.
Thống kê của Fortune Business Insight, quy mô thị trường thiết bị theo dõi sức khoẻ toàn cầu là 36,34 tỷ USD vào năm 2020. Dưới tác động của đại dịch, nhu cầu mua dòng sản phẩm này gia tăng đáng kinh ngạc.
Thị trường dự kiến tăng từ 36,34 tỷ USD vào năm 2020 lên 114,36 tỷ USD vào năm 2028 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 15,4% trong giai đoạn 2021-2028. Tốc độ CAGR giảm những năm sau đó là do nhu cầu giảm đi sau đại dịch.
Hải Đăng
Thiết bị đeo thể thao được mua nhiều tại Việt Nam do Covid-19
Thiết bị đeo thể thao, đồng hồ thông minh có doanh số tăng lên trong giai đoạn dịch Covid-19 tại Việt Nam.