Bằng chứng rõ ràng nhất mà chúng ta biết được là một vài dòng code trong bản beta của iOS 14.6. Những dòng code này, nay đã bị loại bỏ, đề cập đến âm thanh "lossless" khi nghe nhạc trong ứng dụng Apple Music.
Apple chắc chắn có những lý do chính đáng để bước chân vào thị trường nhạc lossless, khi mà các đối thủ như Spotify, Tidal, Amazon Music, và Qobuz đều đang cung cấp nhạc chất lượng tương đương hoặc tốt hơn CD, khiến Apple Music trông không khác gì "con cừu đen của gia đình". Thế nhưng, quyết định này của Apple như đang đặt họ vào thế khó, và để thoát ra được không phải là điều dễ dàng. Tại sao?
Mang jack âm thanh trở lại
Bạn có lẽ còn nhớ khi Apple giới thiệu chiếc iPhone 7 vào năm 2016, phó chủ tịch tiếp thị toàn cầu của hãng, Phil Schiller, đã miêu tả quyết định loại bỏ jack headphone là sự quả cảm. Nhiều người không đồng tình với điều đó, nhưng Apple một khi đã làm sẽ không ngoái đầu, và từ đó trở đi, không còn chiếc iPhone nào có jack âm thanh 3.5mm nữa.
Dù một số người dùng iPhone có lẽ không thoải mái với thực tại, động thái của Apple đã giúp đưa AirPods và AirPods Pro lên vị trí độc tôn trên thị trường tai nghe true wireless.
Nhưng vô tình, nó lại gây nên một thách thức đối với tham vọng âm thanh lossless của hãng.
Âm thanh không dây truyền qua Bluetooth đòi hỏi phải được nén lại. Kể cả phiên bản Bluetooth mới nhất là 5.2 cũng không có đủ băng thông để stream âm thanh chất lượng CD, 16-bit, không nén. Giải pháp tạm thời cho tình trạng nghẽn cổ chai dữ liệu này là một loạt các codec âm thanh Bluetooth ngày càng được cải thiện, với chức năng lấy nhạc từ điện thoại của bạn, thu nhỏ, "gói ghém" nó, cho đến khi đủ nhỏ để đi qua "đường hầm" không dây vốn chật hẹp.
Mọi codec Bluetooth đều cần lược bỏ một số chi tiết trong nhạc số chất lượng cao, nhưng không phải mọi codec đều cho kết quả như nhau. SBC và AAC (những codec duy nhất đang được Apple hỗ trợ) sẽ lược bỏ một lượng lớn chi tiết trong quá trình nén nhạc trước khi gửi chúng đến tai nghe không dây.
Các codec Bluetooth khác như aptX HD, aptX Adaptive, LHDC, và LDAC được thiết kế để giữ lại nhiều chi tiết hơn - đủ để được xem là "hi-res" (độ phân giải cao) - nhưng Apple chưa bao giờ hỗ trợ chúng trên iPhone. Nguyên nhân có lẽ là cho đến gần đây, Apple nhận thấy chưa có nhu cầu mua bản quyền những công nghệ này.
Liệu Apple có quyết định bắt đầu hỗ trợ các codec chất lượng cao hơn? Khả năng là khá thấp. Những codec này sẽ đòi hỏi phần cứng khác biệt so với những gì đang được trang bị cho các điện thoại và tablet của Apple, và chúng ta có thể chắc chắn rằng không một mẫu AirPods nào hiện nay của Apple hỗ trợ chúng.
Loại bỏ jack headphone và từ chối đưa các bộ codec Bluetooth chất lượng cao đồng nghĩa nếu bạn muốn nghe nhạc lossless hay hi-res trên iPhone, bạn sẽ cần một ứng dụng hỗ trợ các định dạng đó, và - yêu cầu tối thiểu - một adapter Lightning sang 3.5mm kèm một bộ headphone có dây tương đối ngon lành.
Bạn sẽ cần một bộ chuyển đổi (dongle)
Các tai nghe AirPods và AirPods Pro của Apple là loại thiết bị thuần không dây, nhưng mẫu headphone trùm tai AirPods Max lại có thể sử dụng với một sợi dây.
Nếu Apple tiếp tục từ chối hỗ trợ các codec Bluetooth chất lượng cao, họ sẽ phải cung cấp cho người dùng một DAC Lightning sang 3.5mm có khả năng hỗ trợ nhạc hi-res.
Hiện nay, nếu bạn muốn tận hưởng nhạc lossless và hi-res trên iPhone, bạn cần một DAC gắn ngoài qua cổng Lightning. Một số thiết bị DAC có kích thước tương đối lớn - thường lớn bằng, hoặc hơn, một chiếc iPhone - và cần có nguồn điện riêng. Nhưng ngày càng có thêm những lựa chọn nhỏ hơn - như THX Onyx và Zorloo Ztella - có thể lấy đủ điện từ iPhone để mang đến mức âm lượng đủ dùng.
Dù hiệu quả (DAC nhìn chung là một nâng cấp đáng giá đối với bất kỳ ai đang sở hữu một tai nghe có dây chất lượng cao), DAC dường như không phải là loại sản phẩm mà Apple muốn theo đuổi. Sau khi loại bỏ jack headphone, thật vô lý nếu Apple lại bắt đầu bán một adapter cỡ nhỏ nhưng đắt đỏ và lại dễ thất lạc chỉ để bạn có thể tận hưởng nhạc chất lượng cao.
Tuy nhiên, có một vài điều mà Apple có thể toan tính: bán một phiên bản nâng cấp của sợi cáp Lightning sang 3.5mm dài 1,2 mét, vốn đã được tích hợp một DAC chất lượng rất cao. V-Moda đã có một sản phẩm tương tự: sợi cáp Lightning SpeakEasy giá 100 USD. 100 USD cho một sợi cáp? Nghe có vẻ là điều Apple sẽ làm đấy!
Và sợi cáp đó nhiều khả năng sẽ nhắm đến nhóm người dùng AirPods Max như một sự nâng cấp tối thượng về mặt âm thanh, nhưng nếu sợi cáp này hoạt động với tai nghe của Apple, nó cũng sẽ hoạt động với bất kỳ tai nghe bên thứ ba nào có đầu vào analog 3.5mm.
Bluetooth LE Audio thì sao?
Năm ngoái, tổ chức Bluetooth Special Interest Group (SIG) đã công bố thế hệ âm thanh Bluetooth tiếp theo, gọi là Bluetooth LE Audio. LE Audio sở hữu nhiều nâng cấp so với phiên bản trước đó, bao gồm một bộ codec mới tên LC3.
LC3 được thiết kế để mang lại chất lượng âm thanh tương đương hoặc tốt hơn bộ codec SBC hiện tại, nhưng Bluetooth SIG chưa công bố thêm thông tin nào cho thấy chất lượng của LC3 so với các codec chất lượng cao như aptX HD và LDAC hay thậm chí là các bộ codec chất lượng tốt như AAC và aptX. Do đó, kể cả khi Apple âm thầm hỗ trợ LE Audio trên các mẫu iPhone mới nhất, rất ít khả năng LC3 có thể mang lại trải nghiệm âm thanh chất lượng cao được.
Ẩn số HomePod
Có lẽ nếu Apple dự định đưa nhạc lossless lên Apple Music, họ không hề nhắm đến iPhone. Khi Amazon Music HD ra mắt cùng bộ sưu tập nhạc Dolby Atmos Music và Sony 360 Reality Audio, thiết bị được khuyến nghị để trải nghiệm chính là Amazon Echo Studio giá 200 USD.
Chiếc loa thông minh âm thanh 3D này được cho là cực kỳ phù hợp để nghe các định dạng âm thanh chất lượng cao của Amazon bởi nó có thể stream nhạc trực tiếp qua Wi-Fi mà không cần kết nối Bluetooth với điện thoại.
Apple từng có một sản phẩm cạnh tranh với Echo Studio - Apple HomePod giá 399 USD - "bạn đồng hành" hoàn hảo cho âm thanh lossless của Apple Music. Nhưng đầu năm nay, hãng đã ngừng phát triển HomePod để tập trung vào thế hệ loa mới, HomePod mini giá 99 USD - một lựa chọn rẻ hơn hẳn nhưng chất lượng âm thanh tốt so với kích thước nhỏ gọn của nó, dù vẫn chưa thể sánh ngang HomePod.
Liệu Apple có đang "ém hàng" HomePod 2? Có khả năng. Apple hiện đã cho phép bạn thêm tài khoản Deezer (bao gồm gói nhạc hi-fi cao cấp của nó) vào HomePod và HomePod mini, với khả năng tương thích 100% với Siri. Đó có thể là dấu hiệu cho thấy Apple chưa hoàn toàn từ bỏ giấc mơ hi-fi tại gia của họ.
Còn Apple TV thì sao?
Nếu bạn có một soundbar tương đối tốt hoặc một hệ thống rạp hát tại gia hoàn chỉnh, một Apple TV HD - hay tốt hơn nữa là Apple TV 4K - sẽ là một giải pháp tuyệt vời để nghe nhạc.
Apple Music được tích hợp sẵn trong Apple TV, và có hàng chục ứng dụng stream nhạc khác sẵn sàng để cài đặt. Nếu hệ thống âm thanh của bạn hỗ trợ Dolby Atmos, các ứng dụng Tidal và Amazon Music HD cho tvOS sẽ là lựa chọn không thể tốt hơn để nghe nhạc Dolby Atmos mà không cần headphone.
Nhưng ngay cả Apple TV 4K cũng còn một số hạn chế khi nói về nhạc lossless. Nó có thể xử lý các định dạng như FLAC, WAV, và Apple Lossless (ALAC), nhưng chúng đều bị giới hạn ở 16-bit/48kHz. Đó là chất lượng tương đương CD lossless, nhưng không bằng nhạc hi-res, vốn thường ở 24-bit/96kHz hoặc cao hơn.
Nếu Apple quyết tâm ra mắt gói lossless cho Apple Music, Apple TV có vẻ sẽ là thiết bị phát tốt nhất miễn là nhạc lossless của họ không bước qua lằn ranh hi-res.
Dùng Android thay thế
Dù bạn phàn nàn thế nào về sự phân mảnh của hệ sinh thái Android hay những vấn đề bảo mật của nó, khi nói đến việc hỗ trợ âm thanh chất lượng cao, các nhà sản xuất điện thoại Android luôn đi trước Apple một bước.
Chiếc Google Pixel ra mắt cùng năm với iPhone 7 đã hỗ trợ aptX, aptX HD, và LDAC.
Trong khi đó, loạt smartphone Galaxy của Samsung không hỗ trợ codec nhiều như vậy - S21 không hề có aptX HD hay aptX Adaptive - nhưng vẫn có LDAC và aptX.
Có nghĩa là, nếu Apple tung gói nhạc lossless cho Apple Music, một chiếc điện thoại Android chắc chắn sẽ mang lại trải nghiệm âm thanh chất lượng cao không dây tốt hơn hẳn so với iPhone!
Tạm kết
Có thể nói rằng, dù ý tưởng Apple sẽ tung ra một gói Apple Music chất lượng cao hơn (bởi áp lực cạnh tranh đến từ các đối thủ) là hoàn toàn khả thi ở thời điểm hiện tại, có vẻ dịch vụ này của Apple vẫn chưa sẵn sàng để hoạt động không dây qua Bluetooth.
Nhưng có một điều cần lưu ý: gần đây Apple đã đặt cược khá lớn vào công nghệ Ultra Wideband (UWB). Chip U1 của nó, vốn truyền tải và nhận dữ liệu UWB, đang hiện diện trên hầu hết các mẫu iPhone mới và cả ẢiTags nữa.
Apple dường như xem UWB như một giải pháp đáng tin cậy phục vụ theo dõi vị trí với độ chính xác cao, nhưng UWB có tiềm năng truyền tải dữ liệu tốc độ rất cao, lên đến 1Gbps - hơn cả đủ đối với các tín đồ âm thanh hi-res - miễn là bạn đặt hai thiết bị UWB ở gần nhau.
Tất nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Apple dự định dùng UWB cho âm thanh, và họ cũng không tích hợp chip U1 vào AirPods Max, nhưng như đã nói, tiềm năng ứng dụng của con chip này đã hiện hữu rất rõ ràng.
(Theo VnReview, DigitalTrends)
Tai nghe đắt nhất của Apple khan hàng tại Việt Nam
Chiếc Airpods Max gặp tình trạng thiếu hàng kể từ khi ra mắt, đến nay vẫn có hàng rất nhỏ giọt.