Gara kín chỗ, thợ làm việc từ sáng đến đêm
Những trận mưa lớn vừa qua tại Hà Nội khiến không ít ô tô bị chết máy, ngập nước, buộc phải đưa đi kiểm tra, sửa chữa.
Theo ghi nhận của PV VietNamNet tại một số gara ô tô trên địa bàn thành phố Hà Nội trong những ngày qua, lượng xe xếp hàng chờ sửa chữa, vệ sinh là khá đông. Nhiều nơi, xe chờ 2-3 ngày vẫn chưa đến lượt.
Gara ô tô Đại Linh tại thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng, Hà Nội) trong 2 ngày qua cũng tiếp nhận trên dưới 40 xe, chủ yếu là những xe bị dính ngập nước vào chiều ngày 29/5. Đến sáng 1/6, vẫn còn hơn 10 xe xếp hàng để chở xử lý, không ít trong đó là những xe bị hỏng nặng, phải mất khá nhiều thời gian.
Chủ gara là kỹ sư Lê Hồng Đại cho biết: "Nhiều chiếc xe được kéo về trong tình trạng ngập rất nặng, anh em thợ phải thay nhau tát nước ra ngoài rồi lau sạch, vệ sinh phần điện, nội thất trước rồi mới kiểm tra đến máy móc. Chúng tôi ưu tiên làm những xe bị nhẹ, khắc phục nhanh trước, còn xe bị nặng liên quan đến máy cần nhiều thời gian hơn".
Còn tại gara ô tô Kiên Phong tại Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội), trong 2 ngày qua cũng đã thu nhận và xử lý cho khoảng 30 xe ô tô liên quan đến ngập nước. Gần chục thợ sửa chữa tại đây làm việc liên tục từ sáng đến tối mịt để kịp xử lý cho khách.
Do chỉ chuyên về máy và điện ô tô nên với những xe không bị hỏng nặng sẽ được gara này phân loại và chuyển sang một xưởng chăm sóc xe bên cạnh để làm sạch, sấy khô nội thất. Tuy vậy, thời gian khắc phục cho mỗi xe cũng phải hết ít nhất 1-2 ngày.
Anh Lâm Phương (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) - một khách hàng của gara này cho biết, vào chiều 29/5, anh bị mắc kẹt ở Cầu Giấy, xe bị ngập nước trong khoảng 30 phút nhưng may là không bị chết máy.
"Tôi vẫn đi về được nhà và hôm sau lấy xe đi làm bình thường. Có điều thấy xe đi hơi giật và phần sàn, ghế có mùi ẩm mốc nên đã mang đến gara để kiểm tra, vệ sinh lại máy móc và nội thất cho yên tâm", anh Phương nói.
Chiếc Hyundai Elantra của anh Phương được vệ sinh lại các chi tiết bu-gi, hệ thống điện, giắc nối, bảng mạch và xịt dung dịch chống rỉ sét. Ngoài ra, phần sàn xe, ghế, dây an toàn,...cũng được tháo ra và sấy khô.... Tổng chi phí cho chiếc xe hết gần 2 triệu.
Theo đại diện gara Kiên Phong, trường hợp của anh Lâm Phương ở trên chỉ là mức độ thiệt hại rất nhẹ, còn nếu xe bị hư hại về máy móc, động cơ (thủy kích) thì con số này có thể lên tới hàng chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng tùy thuộc vào loại xe. Đồng thời, những chiếc xe này đã dính "dớp" ngập nước, sau này bán lại rất mất giá.
Thiếu kinh nghiệm để xe bị thuỷ kích, thiệt hại đến cả trăm triệu
Ghi nhận trong những ngày qua, không ít gara đã phải xử lý các trường hợp xe bị thuỷ kích. Theo các chuyên gia, thuỷ kích là hiện tượng xe ô tô chết máy do nước qua đường hút gió tràn vào buồng đốt của xi-lanh khi động cơ đang hoạt động khiến cho piston bị chặn lại và nhiên liệu không thể cháy trong buồng đốt, dẫn đến chết máy.
Nếu lúc này, lái xe cố khởi động lại động cơ, hệ thống hút gió sẽ tiếp tục hoạt động, các piston được trục khuỷu đẩy lên rất nhanh để nén khí gặp lực chặn của nước lọt vào buồng đốt sẽ làm ép tay biên (tay dên) biến dạng.
Tại gara của kỹ sư Lê Hồng Đại, chỉ trong 2 ngày qua đã phải xử lý 4-5 ca dính đến thuỷ kích với mức độ nặng nhẹ khác nhau. "Nổi bật" nhất là một chiếc Mazda 3 đời 2019 đến gara trong tình trạng ngập nước. Trước đó, chiếc xe bị chết máy nhưng chủ xe vẫn cố tình khởi động lại dẫn đến cong tay biên, hỏng piston và vỡ lốc máy.
"Chiếc xe này phải thay hầu hết các bộ phận của máy bao gồm tay biên, piston, các phớt và hàn lại lốc máy,... Ngoài ra hộp số và các bộ phận điện cũng bị ảnh hưởng. Chúng tôi chưa xác định hết lỗi nhưng chi phí khắc phục trên dưới 50 triệu đồng", kỹ sư Lê Hồng Đại chia sẻ.
Theo kỹ sư Lê Hồng Đại, việc xe ngập nước là hết sức bình thường, nhưng để bị thuỷ kích thì lỗi phần nhiều thuộc về lái xe. Một khi xe đã bị thuỷ kích, chi phí sẽ rất lớn. Trong quá khứ, gara này từng xử lý một trường hợp xe BMW đời cũ bị thuỷ kích với tổng chi phí hết hơn 200 triệu.
Rõ ràng, việc xe ô tô bị ngập nước sẽ ít nhiều gây thiệt hại cho chủ xe. Do đó, cần có kinh nghiệm xử lý và khắc phục phù hợp trong tình huống không may đi vào vùng nước sâu. Nếu không may xe bị chết máy khi ngập nước, tuyệt đối không khởi động lại mà tìm cách đẩy xe đến khu vực cao ráo hơn hoặc kích xe lên, đồng thời gọi ngay cứu hộ và bảo hiểm (nếu có).
Theo tìm hiểu, khi chủ xe có bảo hiểm vật chất thì các hư hại do xe bị ngập nước sẽ được bồi thường tuỳ theo mức độ. Tuy nhiên, trường hợp xe bị thuỷ kích thì chưa chắc đã được phía bảo hiểm bồi thường, bởi đây là điều khoản phải mua thêm. Thông thường để có điều khoản bảo hiểm thuỷ kích, khách hàng sẽ phải chi trả thêm khoảng 0,1% giá trị xe/năm, cộng vào số tiền mua bảo hiểm vật chất.
Hoàng Hiệp
Bạn có trải nghiệm nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết đến Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!