Vừa qua, chị Giàng Thị M. (37 tuổi, ở Mường Chà, Điện Biên) vào Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) do đau bụng khi đang mang thai ở tuần 23. Kết quả siêu âm cho thấy không có tim thai, thai đã chết lưu và chị M. còn bị thiếu máu nặng chỉ số HGB là 51g/l (chỉ số thông thường là 125 -160 g/l). Trước khi nhập viện, sản phụ này không hề biết mình bị thiếu máu. BSCKII.Nguyễn Thị Thu Hường – Trưởng Khoa Sản, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, cho biết, trong quá trình mang thai nếu thai phụ bị thiếu máu rất nguy hiểm cho cả sản phụ và thai nhi. Với thai nhi có nguy cơ thiếu máu, thai chậm phát triển, chết lưu. Với sản phụ nguy cơ chảy máu, mất máu trong quá trình chuyển dạ...
Để kiểm soát tình trạng thiếu máu thiếu sắt và thiếu vi chất dinh dưỡng, phụ nữ mang thai cần chủ động có chế độ ăn đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng; bổ sung viên sắt và acid folic... Không chỉ tình trạng sản phụ thiếu sắt gây nhiều nguy cơ, trẻ thiếu sắt và kẽm cũng dễ khiến bệnh tấn công đặc biệt, trong điều kiện môi trường đang có nhiều bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, cúm A, Covid-19…
PGS.TS.BS Trần Đình Toán – Nguyên Viện trưởng viện Dinh dưỡng Lâm sàng cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu kẽm và thiếu sắt ở trẻ là do lượng kẽm và sắt dự trữ 3, 4 tuần cuối thai kỳ từ mẹ sang con chỉ đủ dùng trong 4 tháng đầu đời với điều kiện mẹ sinh đủ ngày đủ tháng và bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng trong quá trình mang thai.
Lượng sắt trong sữa mẹ khá thấp, 1 lít sữa mẹ chỉ chứa 0.35mg sắt còn kẽm tốt hơn một chút là 2 – 3mg kẽm. Tuy nhiên, sau 3 tháng lượng kẽm trong sữa mẹ chỉ còn 0,9mg/lít. Với lượng sắt, kẽm như vậy trẻ phải dùng từ 17 đến 20 lít/ngày.
Ngoài ra, tỷ lệ hấp thu sắt kẽm từ thức ăn khá thấp sắt chỉ từ 5-15%, kẽm từ 10-30%, và các vi chất chủ yếu có trong đạm động vật như trứng, thịt bò, ghẹ, hàu... Trong khi bắt đầu ăn dặm, trẻ tập ăn với với tinh bột trước và tập ăn các chất đạm sau với lượng nhỏ, dẫn đến trẻ thiếu nhiều vi chất dinh dưỡng điển hình là kẽm và sắt. Hơn nữa, trẻ em dễ bị nhiễm giun sán, rối loạn tiêu hóa thường xuyên gây giảm hấp thu kẽm, sắt. Vì vậy sau 6 tháng, tỷ lệ thiếu sắt và kẽm ở trẻ tăng rất cao.
Đồng quan điểm, TS.BS Phan Bích Nga – Trưởng khoa Khám Trẻ em (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cũng cho rằng, để bổ sung sắt, kẽm giúp trẻ có hệ miễn dịch khỏe mạnh, phòng tránh các bệnh nhiễm trùng, cần phải đảm bảo đầy đủ trong tất cả các giai đoạn của cuộc đời kể từ khi còn trong bào thai. Khi mang thai, bà mẹ cần ăn uống đầy đủ và bổ sung thêm viên sắt như khuyến cáo.
TS.BS Phan Bích Nga thông tin, nếu không đảm bảo dinh dưỡng, thiếu chất, trẻ bị suy giảm đề kháng, trẻ dễ ốm vặt, mệt mỏi, hay ngáp vặt, buồn ngủ, thiếu tập trung, dễ cáu gắt... ảnh hưởng lớn đến học tập.
Cần đảm bảo đầy đủ các bữa trong ngày với chất đạm, đường để duy trì năng lượng; các vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng, tăng tập trung và tư duy cho trẻ. Tỷ lệ thiếu sắt ở trẻ em Việt Nam nhất là trẻ dưới 5 tuổi vẫn đang tồn tại ở mức cao. Tỷ lệ trẻ thiếu kẽm cũng còn ở mức cao trong khi đó, trẻ em lại là đối tượng có hệ miễn dịch còn non yếu và là đối tượng rất dễ bị tổn thương. Nhiều người thường lầm tưởng, khi cho trẻ ăn các thực phẩm giàu sắt và kẽm, cơ thể sẽ hấp thu được 100%. Sự thật không phải như vậy. Khả năng hấp thu sắt từ thực phẩm chỉ từ 5-15%, kẽm từ 10-30%.
Đối với trẻ sau khi bị ốm, chậm lớn và biếng ăn, nên bổ sung sắt và kẽm theo tỷ lệ sắt kẽm ngang bằng nhau hoặc kẽm thấp hơn sắt một chút sẽ đảm bảo hấp thu hiệu quả.