

Với niềm đam mê sâu sắc, NSƯT Ngọc Sơn dành cả quãng thời gian tuổi trẻ để cống hiến cho bộ môn chèo truyền thống. Suốt chặng đường sự nghiệp, anh luôn nỗ lực bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật đặc sắc này.
Cao Ngọc Sơn hiện đang mang hàm Thiếu tá và đảm nhiệm vai trò Phó đoàn trưởng Đoàn diễn 2 tại Nhà hát chèo Quân đội. Trong buổi trò chuyện với VietNamNet, anh chia sẻ về quãng thời gian khó khăn khi bắt đầu vào nghề cũng như nỗi niềm khi loại hình nghệ thuật truyền thống này đang dần bị mai một.
Chật vật làm nghề
- Dù hoàn cảnh khó khăn, điều gì khiến anh quyết tâm theo đuổi đam mê nghệ thuật chèo?
Tôi sinh ra trong hoàn cảnh bố mất sớm, mẹ phải nuôi 5 anh chị em. Năm 16 tuổi, tôi phải bỏ học do nhà quá nghèo để lên Sơn La đi làm thuê chặt mía. Đến năm 1997, nghe tin ông chú bảo Đoàn nghệ thuật chèo tỉnh Hà Nam tuyển diễn viên, tôi quyết định đi thi.
Tuy nhiên, tôi lại không được tuyển chọn trong lần thi tuyển ấy. Mặc dù yêu chèo thật nhưng trước đó tôi chủ yếu nghe hát chèo trên TV hay loa phát thanh, chứ chưa hát chèo bao giờ.
Sau đó, tôi bắt đầu chơi với một người chị diễn cùng mình trong tiểu phẩm lúc thi tuyển. Vào ngày giỗ bố tôi năm 1997, chị ấy về tận nhà và thông báo: “Sơn ơi, em muốn vào nghề không? Bác Phó giám đốc Sở Văn hóa nói em có năng khiếu nên muốn giúp đỡ".
Khỏi phải nói, lúc ấy tôi vui sướng cỡ nào. Từ ấy, tôi bắt đầu làm học sinh dự thính. Nhìn các anh chị học sinh chính thức được hưởng trợ cấp 40.000/ tháng, tôi ao ước một ngày nào đó mình cũng được lĩnh khoản trợ cấp ấy để đỡ đần tiền cho mẹ. Kể từ đó, tôi hăng say, chăm chỉ tập luyện để được mọi người ghi nhận.
- Anh có thể kể về vai diễn đầu tiên?
Đầu năm 1998, tôi được lựa chọn tham gia diễn chèo tại “Hội thi tài năng trẻ toàn quốc lần thứ hai” được tổ chức ở thành phố Đà Nẵng. Tôi là 1 trong 5 thí sinh được lựa chọn tham gia diễn trích đoạn Cu Sứt huyện tể của vở chèo Xúy Vân giả dại. Dưới sự dẫn dắt của NSND Mạnh Tuấn, tôi đã có màn biểu diễn thành công.
Đây là một vai diễn khó. Tôi đóng vai một người con trai tàn tật và được sống trong sự nuông chiều của bố mẹ. Do đó, cậu con trai này sống vô ơn và vừa không có tài, lại vừa nhiều tật. Trích đoạn chèo mang thông điệp ý nghĩa sâu sắc và nhân văn về giáo dục của gia đình.
Mặc dù là thành viên nhỏ tuổi nhất đoàn nhưng tôi lại là người được huy chương Bạc toàn quốc. Sau khi diễn xong, tôi được một bác nhà báo ôm và nói: “Con ở khách sạn nào để bố tặng con một cái gì đó kỷ niệm?".
Khỏi phải nói, lúc ấy tôi hạnh phúc đến nhường nào. Chiếc đồng hồ kỷ niệm bác tặng tôi vẫn giữ tới tận bây giờ. Tôi coi đó là món quà tinh thần để mình được tiếp thêm động lực theo đuổi đam mê với nghề.
- Cơ duyên nào khiến anh chuyển sang làm việc Nhà hát chèo Quân đội?
Tôi rất yêu màu áo lính và ước ao nếu sau này mình được khoác trên vai màu áo lính, đó là điều rất tuyệt vời. Năm 2007, tôi quyết định xa quê và tạm biệt Nhà hát chèo Hà Nam để thi tuyển vào Nhà hát chèo Quân đội sau 11 năm gắn bó.
Khi ấy, tôi quyết định rời quê lên thành phố bắt đầu lại từ đầu. Một môi trường nghệ thuật khác khiến tôi bắt buộc phải học cách thích nghi để hòa nhập.
Ở Nhà hát chèo tỉnh Hà Nam, tôi toàn được giao đóng những vai chính. Nhưng khi về Nhà hát chèo Quân đội, tôi phải chấp nhận đóng những vai lính hoặc vai chuyển cảnh. Với sự cố gắng, tôi dần hòa nhập được với môi trường quân đội và nhanh chóng khẳng định được năng lực của mình.
Tôi được lãnh đạo giao cho các vai diễn chủ chốt và đạt được huy chương, giải thưởng. Từ đó, tôi được trở thành nhân viên hợp đồng và trải qua hai giai đoạn huấn luyện, thi tuyển để được đeo hàm sĩ quan.

Trăn trở giữ lửa cho nghề chèo
- Từ khi lên làm lãnh đạo, anh còn phụ trách công tác chuyên môn không?
Khi được bổ nhiệm làm Phó đoàn trưởng Đoàn diễn 2, tôi có nhiều tâm tư muốn truyền tải ngọn lửa của mình đến với các bạn trẻ chứ không riêng gì nghệ sĩ chuyên nghiệp. Và tôi muốn đem cái lửa của mình tới các trường học, đơn vị để lan tỏa cái nghệ thuật truyền thống đến quần chúng nhân dân.
Khi biểu diễn chèo tại các sân khấu học đường, tôi mới nhận ra các cháu cấp 2, cấp 3 cũng rất thích chèo. Bởi nghệ thuật chèo phong phú, đa dạng về các màu sắc và đa dạng các tính cách nhân vật. Dù ở cương vị nào, tôi vẫn đau đáu về việc làm như thế nào để gây dựng được các thế hệ nối tiếp gìn giữ những giá trị nghệ thuật truyền thông mà ông cha ta đã để lại.
- Anh có thể chia sẻ về kênh YouTube "Sơn chèo" của mình?
Kênh YouTube là sự ấp ủ của tôi từ rất lâu rồi. Năm 2019, khi được phong tặng danh hiệu NSƯT, tôi quyết định xây kênh YouTube "Sơn chèo" để lưu lại những khoảnh khắc, những năm tháng mình được cống hiến cho nghệ thuật chèo.
Để có những lời chèo hay, tôi đã mời nhà soạn giả Mai Văn Lạng viết lời nhạc cho các bài hát, MV của mình. Ngay từ đầu tôi đã định hướng làm về các sản phẩm chèo để ca ngợi ơn đức sinh thành. 13 bài hát trên kênh YouTube của tôi đều là những bài chèo về cha mẹ.
Rất may mắn, sau khi tôi phát hành album các bài hát chèo về ơn đức sinh thành, tôi đón nhận được rất nhiều sự quan tâm và yêu mến của khán giả trong và ngoài nước.
Tôi lập ra kênh "Sơn chèo" không phải cho mục đích quảng cáo hay kiếm tiền mà muốn lan tỏa và truyền bá những giá trị của nghệ thuật chèo đến với các bạn trẻ. Tôi cho rằng văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Do đó, tôi muốn lưu giữ lại những giá trị hồn cốt của nghệ thuật chèo truyền thống.

- Anh nghĩ sao khi các chương trình giải trí gần đây như "Anh trai vượt ngàn chông gai" đã đưa nghệ thuật chèo đến với giới trẻ?
Nếu nghệ thuật chèo không nhanh chóng tiếp cận thế hệ trẻ sẽ bị mai một. Hiện tại một số show diễn đã kết hợp nghệ thuật truyền thống và đương đại để đưa chèo đến gần hơn với người trẻ.
Theo tôi, phát triển nghệ thuật dân tộc quan trọng nhất là vẫn phải giữ được hồn cốt của nghệ thuật truyền thống. Chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai đã rất thành công khi kết hợp nghệ thuật đương đại trong các bài chèo nhưng vẫn giữ được nét truyền thống của nghệ thuật chèo.
Ảnh: NVCC
