Thiếu tá Lại Tuấn Anh - cán bộ Phòng Công tác cứu nạn, cứu hộ thuộc Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (C07) Bộ Công an cho biết, ngay sau khi đến Thổ Nhĩ Kỳ, anh cùng đồng đội được phân công thực hiện tìm kiếm cứu nạn cứu hộ tại tỉnh Adiyaman.
Dù thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ xuống thấp như muốn đóng băng mọi thứ nhưng các thành viên trong đoàn cứu hộ Bộ Công An vẫn tranh thủ từng giây phút để dò tìm sự sống trong những đống đổ nát, hy vọng điều kỳ diệu xảy ra.
"Khi đến đây, chúng tôi nhận thấy tỉnh Adiyaman chịu ảnh hưởng rất nặng nề từ trận động đất. Đa số các tòa nhà tại tỉnh này đều bị ảnh hưởng. Có ngôi nhà bị nứt tường, có nhà thì sập đổ một phần, nhiều khu nhà bị sập đổ hoàn toàn", thiếu tá trẻ kể.
Những ngày đầu, thiếu tá Tuấn Anh cùng đoàn công tác tới hai hiện trường sập đổ hoàn toàn. Đứng trước khu vực sập đổ rộng lớn, ngổn ngang đổ nát, đoàn cứu hộ Việt Nam đã sử dụng các thiết bị tìm kiếm cứu nạn như camera dò tìm người, radar, cố gắng bằng mọi cách tìm kiếm các nạn nhân còn sống sót.
Ngoài ra, đoàn cũng dùng các biện pháp thủ công để dọn dẹp khối lượng đất đá, tường gạch khổng lồ một cách cẩn thận, tránh làm ảnh hưởng đến các nạn nhân.
Đặc biệt, đoàn chú trọng đến khâu đảm bảo an toàn để không xảy ra hiện tượng sụp đổ thứ cấp, ảnh hưởng tới người và phương tiện tham gia cứu nạn cứu hộ.
Nhóm của thiếu tá Lại Tuấn Anh có 24 cán bộ chiến sĩ. Vậy nên, họ phải chia ca triển khai công tác cứu nạn cứu hộ nhằm bảo đảm sức khỏe để thực hiện khối lượng công việc khổng lồ trước mắt.
"Chúng tôi thường tìm kiếm, cứu hộ từ 8h sáng đến 22h đêm, thậm chí có khi tới hơn 1h sáng hôm sau", thiếu tá Tuấn Anh cho biết.
Cũng theo thiếu tá này, quá trình tìm kiếm các nạn nhân, đoàn công tác gặp không ít khó khăn về ngôn ngữ, điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Anh Tuấn Anh cho hay, tại hiện trường có rất đông lực lượng cứu nạn, cứu hộ (lực lượng cứu nạn cứu hộ quốc tế của các nước, các tình nguyện viên, lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ…). Việc sử dụng đa ngôn ngữ khi giao tiếp và quyết định, thống nhất các phương án tìm kiếm vì thế gặp không ít trở ngại.
Về điều kiện sinh hoạt, sau trận động đất, hệ thống nước sạch bị ảnh hưởng nặng nề. Dự đoán trước được tình hình, đoàn công tác đã chuẩn bị tương đối kỹ lưỡng đồ ăn, nước uống, lều bạt.
Sau những giờ làm nhiệm vụ, các thành viên đoàn cứu hộ ngủ trong lều bạt. Hàng ngày, đoàn sử dụng nước đóng chai để nấu ăn, tắm rửa và sinh hoạt. Xác định nguồn nước có hạn nên anh em trong đoàn đều sử dụng một cách tiết kiệm, hạn chế các nhu cầu vệ sinh cá nhân.
Sau khi động đất xảy ra, người dân thành phố Adiyaman đã di tản đi nhiều nơi. Các cửa hàng tiện lợi tại đây đều đóng cửa nên đoàn cứu hộ của Bộ Công an phải nhờ Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ mua thực phẩm bổ sung. Tuy nhiên, việc hỗ trợ này cũng không hề dễ dàng bởi cơ quan này cách nơi đoàn làm việc hơn 1.000 km.
Khó khăn lớn nhất với thiếu tá Lại Tuấn Anh và đồng đội vẫn là điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Anh chia sẻ: "Nhiệt độ ở thành phố này luôn dao động ở mức từ -6 đến 6 độ C, trời rất lạnh. Tuy nhiên, đoàn đã được Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các nhiệm vụ.
Dưới sự chỉ đạo của Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (C07, Bộ Công an), anh em trong đoàn luôn có sự phối hợp ăn ý, thuận lợi.
Các thành viên được cử đi đều là những đồng chí có kỹ năng chuyên môn tốt, nhiều kinh nghiệm trong công tác cứu nạn. Hoạt động của đoàn được nhân dân và Chính phủ nước này ghi nhận và dành nhiều tình cảm".
"Sau những ngày đầu nỗ lực tìm kiếm, chúng tôi đã phối hợp cứu được 1 nạn nhân còn sống, đưa ra ngoài 6 thi thể", thiếu tá Tuấn Anh nói.
Khoảnh khắc khiến cả đoàn cảm động và sung sướng nhất là khi phối hợp cùng lực lượng Pakistan đưa được nạn nhân 14 tuổi ra khỏi đống đổ nát ở thành phố Adiyaman.
Cũng theo thiếu tá Lại Tuấn Anh, dù điều kiện cứu hộ khắc nghiệt nhưng đoàn vẫn cố gắng, nỗ lực phối hợp cùng các đơn vị tại hiện trường tìm kiếm các nạn nhân. Làm nhiệm vụ ở một đất nước xa xôi, anh cùng đồng đội luôn nhận được những lời hỏi thăm, động viên ân cần từ gia đình, đơn vị.
"Chúng tôi đã trang bị phương tiện kết nối internet nhưng sóng tại đây không ổn định và rất chập chờn. Tuy vậy, chúng tôi vẫn tranh thủ gọi điện về cho gia đình, đơn vị và nhận được sự ủng hộ, động viên rất lớn. Đây cũng là động lực để đoàn cố gắng hoàn thành các nhiệm vụ được giao", thiếu tá trẻ cho hay.
Theo Dân trí