Thông tin về tình trạng Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đang thiếu nhiều loại thuốc giải độc khiến người dân lo lắng, lãnh đạo viện cho biết đây đều là những thuốc hiếm.
“Các loại thuốc này đều là thuốc hiếm, không phải thuốc trong danh mục cơ bản. Hiện, viện đã có kế hoạch để bổ sung”, lãnh đạo bệnh viện nói.
Các thuốc thiếu tại Trung tâm Chống độc gồm huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia, thuốc giải độc cho người bị ngộ độc clostridium botulinum.
Trước vấn đề này, bệnh viện cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế, đề xuất thành lập kho dự trữ các thuốc hiếm. Kho dự trữ này có thể đặt ở một trong số bệnh viện có đơn vị điều trị chống độc và điều phối đến các bệnh viện toàn quốc khi có ca bệnh cần sử dụng.
Thuốc giải độc có vai trò quan trọng trong quá trình điều trị cho bệnh nhân ngộ độc, cải thiện đáng kể tỉ lệ tử vong. Tuy nhiên khi những thuốc đặc hiệu bị thiếu, các bác sĩ phải sử dụng tất cả biện pháp có thể để cứu chữa cho bệnh nhân, nhưng hiệu quả rất hạn chế, rất cần có thuốc giải độc đặc hiệu cho người bệnh. Vì vậy thông tin thiếu thuốc giải độc tại Bệnh viện Bạch Mai – bệnh viện đầu ngành cả nước khiến người dân không khỏi lo ngại.
Chia sẻ với báo VietNamNet, Bà Đào Hồng Lan - Quyền bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin về tình trạng thiếu thuốc thuộc danh mục thuốc giải độc ở Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế đã yêu cầu Cục Quản lý dược có giải pháp hỗ trợ và cung cấp đủ thuốc cho Trung tâm Chống độc của bệnh viện àny.
Trong sáng 14/9, ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cũng thông tin thêm với báo VietNamNet, phòng chuyên môn của Cục vừa làm việc với Bệnh viện Bạch Mai về vấn đề này. Hiện, bệnh viện đang thiếu một số thuốc giải độc. Theo Thông tư 26/2021/TT-BYT, đây là thuốc hiếm và cũng theo quy định của Thông tư 26, bệnh viện lập đơn hàng khẩn cấp. Sau đó, Cục Quản lý dược sẽ giải quyết trong vòng 24-72h tùy theo sự sẵn có của mặt hàng.
“Cục Quản lý dược đang hướng dẫn bệnh viện khẩn trương lập đơn hàng, tìm kiếm nguồn cung để bổ sung cho người bệnh”, Cục trưởng Cục Quản lý Dược thông tin. Cũng theo đại diện Cục Quản lý dược, loại thuốc thiếu là thuốc hiếm trong bối cảnh nhiều loại thuốc khác bệnh viện vẫn đảm bảo cho quá trình cấp cứu, điều trị người bệnh.
Trước đó, thông tin với báo chí, đại diện Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cũng chia sẻ về tình trạng thiếu một số thuốc giải độc, gây ảnh hưởng điều trị người bệnh. Cụ thể bệnh nhi nam T.Q.T. (Bắc Ninh) hôn mê, liệt rất nặng do rắn cạp nia cắn. Theo các bác sĩ, vì thiếu thuốc giải độc, những bệnh nhân bị rắn độc cắn như thế này có thể phải thở máy từ 2 tuần đến một tháng.
Trong khi nếu có thuốc, chỉ cần 2-3 ngày, bệnh nhân có thể ra viện. Trung tâm Chống độc cũng điều trị cho 2 trẻ được chẩn đoán là ngộ độc asen - một loại chất rất độc. Hai bệnh nhi đã được sử dụng 2 loại thuốc giải độc đơn giản nhưng thuốc này lại có tác dụng phụ nhiều và gây dị ứng, dẫn đến không còn thuốc nào để thải asen ra khỏi cơ thể.