- Xuất phát điểm là một học viên trường nghề, bằng nỗ lực và niềm đam mê với công việc mình theo đuổi, chàng trai Nguyễn Công Tuấn liên tiếp giành nhiều giải thưởng tay nghề. Là một thợ lành nghề, anh nhận được nhiều lời mời về làm việc của các doanh nghiệp trong và ngoài nước với mức lương đáng mơ ước.

{keywords}
Nguyễn Công Tuấn trong buổi giao lưu trực tuyến với độc giả báo VietnamNet. Ảnh: Lê Anh Dũng

Hãy học thật tốt tiếng Anh

Nguyễn Hương, nữ - 26 tuổi: Xin chào Tuấn, bạn có thể chia sẻ một chút về công việc của mình không, bạn đang học hay đã ra trường và ngành mà bạn đã/ đang học là gì? Cảm ơn bạn.

- Trong cuộc thi tay nghề ASEAN vừa qua mình đã xuất sắc giành được HC Vàng và đã được nhà trường tiếp nhận về làm giảng viên tại khoa Điện - Điện tử của Trường CĐ nghề Cơ điện và Thủy lợi Hưng Yên. Công việc của mình hiện tại là tập giảng, đứng lớp và học tiếng Anh để nâng cao trình độ giao tiếp và rèn luyện kĩ năng tay nghề.

Hà Văn Tuấn, nam - 21 tuổi: Bạn có thể chia sẻ một chút về cuộc thi mà bạn đoạt giải nhất là cuộc thi tay nghề ASEAN được không? Cách thi và các môn thi ra sao? Bạn có phải ôn luyện nhiều không?

- Tại cuộc thi tay nghề ASEAN vừa qua là cuộc thi chuyên về tay nghề, phải làm việc bằng chân tay. Bài thi gồm 4 module và phải trải qua 18 tiếng trong vòng 3 ngày nên đòi hỏi phải có sức khỏe tốt thì mới hoàn thành tốt được bài thi. 4 module thì module 1 là sửa lỗi, module 2 là lập trình điều khiển nhà thông mình theo tiêu chuẩn công nghệ Châu Âu, module 3 là lắp đặt điều khiển động cơ trên vật liệu nhựa, module 4 lắp đặt điều khiển động cơ trên vật liệu bằng sắt.

Để tham dự được kỳ thi ASEAN mình đã trải qua 4 tháng ôn luyện, trong đó một tháng ôn luyện để thi vòng sơ loại và 3 tháng còn lại để ôn các module để hoàn thành bài thi. Trong quá trình ôn luyện mình gặp rất nhiều khó khăn về sức khỏe và các kiến thức mới mà mình chưa được học.

Đề thi sử dụng tiếng Anh nên mình vẫn còn nhiều từ còn bỡ ngỡ, không hiểu. Đó cũng là một rào cản mình cần vượt qua.

Văn Quyết, nam - 29 tuổi: Có khi nào bạn chạnh lòng vì đã chọn một trường nghề trong khi bạn bè cùng trang lứa học ở những trường đại học danh tiếng?

- Nhiều lúc mình cũng chạnh lòng, nhưng hiện tại mình cũng không còn suy nghĩ về điều đó nữa. Bởi vì việc học chỉ được coi là thành công khi người học có kiến thức, tay nghề vững vàng và khi ra trường phải xin được một công việc ổn định, đúng chuyên ngành mình đã học và có một mức thu nhập tốt.

Thu Trang, nữ - 27 tuổi: Vào CĐ, nhiều bạn thường có tâm lý học cho xong để có cái bằng, ra trường đằng nào cũng chỉ làm thợ. Tại sao Tuấn lại đầu tư vào học hành thế?

- Với mình làm thợ là phải như thế nào, thợ chất lượng cao hay thợ bình thường, mình học để nâng cao trình độ, để có thể được thăng tiến và mình được quyết định lựa chọn mức lương phù hợp với công việc của mình. Đó là điều mình nghĩ nếu bạn chỉ học cốt cho xong, không có kiến thức thực tế thì sẽ rất khó xin việc và khó tự quyết định được mức lương của mình.

Thùy Nhi, nữ - 22 tuổi: Tuấn chọn trường CĐ là do không đủ điểm vào ĐH hay là do thích đi làm thợ hơn?

- Học xong THPT mình đã tham gia kỳ thi ĐH-CĐ, mình đã đủ điểm để vào học một trường cao đẳng chính quy. Nhưng được sự phân tích, định hướng của bố mẹ và anh chị trong gia đình va qua tìm hiểu các thông tin về thị trường lao động, mình thấy tình trạng học đại học hàn lâm ra trường thất nghiệp rất nhiều và hồi còn bé mình cũng đã thích làm một chú thợ điện nên mình quyết định theo học một trường cao đẳng nghề. Và quyết định đó đã giúp mình có một công việc ổn định.

Thợ điện từng bị... điện giật

Thế Bình, nam - 40 tuổi: Chào Tuấn, vừa rồi có một câu chuyện về việc Việt Nam không chế tạo được một linh kiện nào của Sam sung hay một con ốc vít của Nhật. Dĩ nhiên, để sản xuất được cần rất nhiều khâu, cả về trình độ kỹ thuật, khả năng quản trị cũng như trình độ tay nghề của người lao động. Vậy em đánh giá thế nào về trình độ lao động của các công nhân Việt Nam. So với các nước trong khu vực, chúng ta có ưu và nhược điểm gì?

- Mình nghĩ công nhân Việt Nam mình còn rất thiếu trình độ tay nghề chuyên môn cao và tác phong làm việc công nghiệp. Người lao động khi làm việc còn nhiều động tác thừa. Người lao động của nước ta có ưu điểm là cần cù, chịu khó và nhược điểm là thiếu trình độ chuyên môn, kĩ năng làm việc, thái độ làm việc chưa cao.

{keywords}
Ảnh Lê Anh Dũng

Trần Văn Trung, nam - 18 tuổi: Em chào anh Tuấn ạ. Anh ơi, em thấy trên mạng hiện nay có rất nhiều bạn làm Vlog rất hay. Anh có nghĩ đến chuyện làm Vlog không, anh có thể chia sẻ về cách sửa chữa và lắp ráp các thiết bị điện dân dụng trong nhà, em nghĩ nếu làm thì sẽ có rất nhiều người xem đấy ạ, vì hầu như giới trẻ bây giờ ít biết làm những việc này, như em khi làm cũng rất sợ bị điện giật nên nhiều khi toàn phải gọi thợ mặc dù nhiều việc thấy cũng đơn giản?

- Cảm ơn em. Anh cũng nghĩ đến chuyện làm Vlog để chia sẻ về những kĩ thuật lắp ráp và sửa chữa mạch điện dân dụng trong nhà cũng như các kĩ thuật, nguyên tắc lắp mạch điện công nghiệp trong các KCN. Anh nghĩ chia sẻ trên Vlog thì mình có thể gần gũi với mọi người hơn, hiểu biết những kĩ năng tay nghề mà mình còn thiếu. Chắc chắn đây sẽ là một trải nghiệm rất thú vị.

Đặng Thị Hải Linh, nữ - 19 tuổi: Anh có thể kể kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh trong quá trình học tập về ngành điện này được không ạ? Anh đã bao giờ bị điện giật chưa, trong hoàn cảnh nào ạ?

- Kỉ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình học tập đó là trải qua các cuộc thi tay nghề. Nhưng thi tay nghề ASEAN các tiêu chuẩn chấm điểm đơn giản và theo một quy chuẩn nhất định, còn các cuộc thi trong nước theo mình nhận định còn khó hơn đi thi ASEAN.

Mình cũng có đôi lúc bị điện giật. Đó là hồi còn nhỏ mình chưa biết gì, cầm vào dây điện ở quạt điện và bị giật bắn người ra ngoài. Lúc đó mình rất sợ và khóc. Nhưng hiện tại mình đã được học về điện nên mình có thể tự tin đấu nối mạch điện một cách an toàn mà không sợ bị điện giật.

Từ chối lương 3.000 đô về làm giảng viên

Nguyễn Hòa, nữ - 24 tuổi: Với tay nghề như của bạn hiện nay đã có nơi nào hứa hẹn sẽ nhận bạn vào làm việc cho họ chưa? Họ có đặt ra mức lương cho bạn là bao nhiêu không? Mình có em trai, cũng muốn cho nó theo trường nghề. Bạn có lời khuyên nào cho em mình không? 

- Hiện tại đã có rất nhiều công ty ở khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh đề nghị nhận mình vào làm việc với mức lương thỏa thuận. Trong quá trình tham gia cuộc thi tay nghề ASEAN, có một công ty của Singapore chuyên làm việc về điều khiển thiết bị điện thông minh (KNEX) công nghệ theo tiêu chuẩn của Châu Âu sau khi quan sát mình làm bài thi một cách xuất sắc, nhanh nhất, họ đã đề nghị xin mình sang để làm việc tại Singapore với mức lương 3000 đô la Sing. Nhưng mình đã không đồng ý, và quyết định về làm một giảng viên để truyền đạt các kinh nghiệm, kiến thức đã được học và trải qua trong các kỳ thi cho các sinh viên tương lai.

Lời khuyên của mình cho bạn đang có em trai là xác định học nghề là phải yêu nghề, phải có quyết tâm theo đuổi một ước mơ nào đó. Và quá trình học tập phải cố gắng phấn đấu học tập thật tốt, nhất là học tiếng Anh, có điều gì không hiểu thì phải hỏi ngay thầy cô hoặc bạn bè.

Mây Lang Thang, nữ - 18 tuổi: Anh Tuấn đã có người yêu chưa? Quan niệm về một nửa của anh thế nào? Một người trẻ cũng phải là... gương mặt trẻ tiêu biểu? Anh có thể bật mí?

- Cảm ơn bạn, mình đã có người yêu. Quan niệm về một nửa của mình là hai người phải hiểu về nhau và cảm thông cho công việc của nhau. Hiện tại bạn gái mình đang làm giáo viên mầm non ở quê nhà (Bắc Ninh) và mình hiện tại đang làm việc ở Hưng Yên, cũng có nhiều khó khăn về tài chính và khoảng cách địa lí nhưng chúng mình đã quyết tâm đến với nhau. 

Trần Huỳnh, nam - 18 tuổi: Ở Trường CĐ nghề Cơ điện và Thuỷ lợi Hưng Yên nơi anh công tác, hàng năm có gặp khó khăn gì trong công tác tuyển sinh? Nhà trường có định hướng thế nào để thu hút học sinh vào trường nghề, trong khi họ luôn có tâm lý nhất nhất phải vào ĐH... để rồi ra trường thất nghiệp?

- Hàng năm trường tôi gặp rất nhiều khó khăn về công tác tuyển sinh. Hiện tại sinh viên không chú trọng đến học nghề bởi vì các em còn thiếu hiểu biết về việc học nghề. Hầu hết các em nghĩ chỉ có con đường đại học, cao đẳng chính quy mới được trọng dụng nhưng hiện tại tình trạng học đại học, cao đẳng rồi ra trường thất nghiệp rất nhiều. Do đó, hiện tại trường đã liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên trong tỉnh để đăng ký mở các lớp đào tạo nghề.

Nhà trường có các giải pháp như miễn phí nhà ở ký túc xá để thu hút học sinh, thường xuyên tổ chức các cuộc thi tay nghề để nâng cao tay nghề cho sinh viên; thường xuyên tổ chức các cuộc giao lưu văn nghệ, thể thao để đáp ứng nhu cầu tinh thần của người học. Hàng năm trường thường có quỹ học bổng dành cho những sinh viên xuất sắc.

 Một số thành tích nổi bật:

- Giải Nhất Hội thi tay nghề cấp Bộ

- Giải Nhất Hội thi tay nghề cấp quốc gia tại Hà Nội

- Đạt giải thưởng Trần Văn Ơn của T.Ư Đoàn.

- Giải Nhất hội thi tay nghề ASEAN 2014 (Huy chương Vàng nghề lắp đặt điện với tổng số điểm 95,45/100 điểm tối đa, góp phần cho Đoàn Việt Nam xuất sắc đứng thứ nhất toàn đoàn tại kì thi tay nghề Asean lần thứ 10)

  • BAN GIÁO DỤC