“Đây là điều tốt đẹp dành cho Phần Lan và Thụy Điển, và nó cũng tốt cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do chúng tôi sẽ là ‘những người cung cấp an ninh’ cho khối quân sự này. Việc hoàn thiện quá trình trở thành thành viên NATO nên được thực hiện càng sớm càng tốt, không chỉ dành cho Thụy Điển và Phần Lan mà còn cho các nước thành viên khác trong khối”, bà Andersson nói với trang tin The Guardian rạng sáng nay (29/6).
“Bản thân tôi không cảm thấy quá lo lắng từ những phản ứng của Nga về thỏa thuận ba bên này. Cho tới nay, họ phản ứng khá ôn hòa. Có thể họ thấy chúng tôi trên thực tế đã là đối tác của NATO trong thời gian khá dài… Có thể họ không coi đây là một bước tiến lớn”, Thủ tướng Thụy Điển nói thêm.
Theo The Guardian, một loạt nhà lãnh đạo trên thế giới đã gửi lời chúc mừng sau khi thỏa thuận ba bên Thổ Nhĩ Kỳ-Thụy Điển-Phần Lan được ký kết.
“Xin chúc mừng Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển và Phần Lan đã ký một bản ghi nhớ ba bên. Đây là một bước quan trọng hướng tới việc NATO mời Stockholm và Helsinki gia nhập, và điều này sẽ tăng cường sức mạnh cho khối liên minh cũng như củng cố an ninh tập thể của chúng ta. Đây là một cách tuyệt vời để bắt đầu Hội nghị thượng đỉnh NATO”, Tổng thống Mỹ Joe Biden viết trên Twitter.
“Đây là một tin tức tuyệt vời khi chúng ta khai mạc Hội nghị thượng đỉnh NATO. Tư cách thành viên của Thụy Điển và Phần Lan sẽ làm cho khối liên minh tuyệt vời của chúng ta trở nên mạnh mẽ và an toàn hơn”, Thủ tướng Anh Boris Johnson viết.
“Tôi xin cảm ơn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson vì tinh thần mang tính xây dựng đã giúp cho quyết định lịch sử này có thể thực hiện được”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết.
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng trước từng đưa ra một danh sách gồm 10 yêu cầu cần chính quyền hai nước Phần Lan và Thụy Điển đáp ứng trước khi Ankara phê chuẩn tư cách thành viên NATO cho các quốc gia này.
“Phần Lan và Thụy Điển cần phải ngừng hỗ trợ tài chính cho những nhóm có liên hệ với Đảng Công nhân người Kurd (PKK) cũng như các tay súng người Kurd đang hoạt động ở Syria. Hai quốc gia Bắc Âu cần ngừng liên lạc với các thành viên của nhóm người Kurd ở Syria”, một đoạn trong thông cáo được chính quyền Ankara đưa ra hôm 18/5, nêu rõ.
“Thụy Điển cũng phải kìm hãm chiến dịch thông tin sai lệch chống lại Thổ Nhĩ Kỳ của những người đi theo kẻ giật dây âm mưu đảo chính hồi năm 2016, khi các đối tượng này đã chạy tới cư trú ở Thụy Điển”, thông cáo cho biết thêm.