Trong buổi lễ đón lô nhiên liệu đầu tiên từ Nga cung cấp cho nhà máy điện hạt nhân Akkuyu vào ngày 27/4 diễn ra theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của Tổng thống Vladimir Putin, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ đã gia nhập hàng ngũ các quốc gia có năng lượng hạt nhân.
Nhà máy điện hạt nhân Akkuyu hiện là dự án chung lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga.
"Với việc vận chuyển nhiên liệu hạt nhân bằng đường hàng không và đường biển tới nhà máy điện, Akkuyu đã đạt được vị thế của một nhà máy hạt nhân", hãng tin RT dẫn lời ông Erdogan.
Theo nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, hiện có 422 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động trên thế giới, và 57 lò đang được xây dựng. Ông Erdogan đã ca ngợi “sự tỉ mỉ của các kỹ sư và công nhân” để hoàn thành nhà máy công suất 4.800 megawatt trị giá 20 tỷ USD, dù đã phải trải qua 2 trận động đất tàn khốc hồi tháng Hai, nhưng nhà máy không bị hư hại.
Nhà máy Akkuyu là “khoản đầu tư chung lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga”, ông Erdogan nhấn mạnh, và khẳng định nhà máy sẽ được mở rộng quy mô để hoạt động hết công suất vào năm 2028. Vào thời điểm đó, nhà máy sẽ cung cấp 10% nhu cầu năng lượng sử dụng tại Thổ Nhĩ Kỳ, và giúp nước này giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.
“Dựa trên kinh nghiệm có được từ dự án này, chúng tôi sẽ sớm có các nhà máy điện hạt nhân thứ hai và thứ ba mà chúng tôi dự định xây dựng ở những khu vực khác nhau", ông Erdogan nói thêm.
Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu được bắt đầu vào năm 2018 cùng với sự hỗ trợ từ Tập đoàn năng lượng hạt nhân nhà nước Rosatom của Nga. Khoảng 30.000 người đã tham gia trong giai đoạn bận rộn nhất của quá trình xây dựng nhà máy.
Phát biểu tại buổi lễ trực tuyến, Tổng thống Putin đã ca ngợi ông Erdogan vì "rất quan tâm đến việc mở rộng quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ". Như hồi tháng 8/2022, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ mua khí đốt tự nhiên của Nga bằng đồng Rúp.