Trong một cuộc phỏng vấn với CNN hôm 28/10, ông Cavusoglu cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã "làm rõ quan điểm của mình" về việc mua lại hệ thống phòng không S-400 của Nga, đồng thời kêu gọi Mỹ bàn giao các máy bay theo hợp đồng mà hai nước đã ký kết hoặc trả lại toàn bộ số tiền mà Ankara đã đầu tư vào dự án.
“Thổ Nhĩ Kỳ chưa bao giờ hành động mà không có phương án thay thế. Nếu cần, chúng tôi có thể quay sang hợp tác với nước khác", Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nói với CNN, ám chỉ khả năng Ankara sẽ mua các chiến đấu cơ Su-35 hoặc Su-57 của Nga nếu Mỹ vẫn không giải quyết được thương vụ F-35.
Máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ. Ảnh: Quân đội Mỹ |
Thổ Nhĩ Kỳ từng đặt mua hàng trăm máy bay chiến đấu F-35 do tập đoàn vũ khí Lockheed Martin của Mỹ sản xuất, trước khi bị Washington loại khỏi chương trình mua sắm đối tác đa quốc gia vào năm 2019 vì mua các tổ hợp phòng không S-400 của Nga. Ankara đã chỉ trích quyết định trên, và cho rằng đây là điều "không công bằng".
Đầu tháng 10 này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết Washington đã đề xuất cung cấp cho Ankara gói 40 máy bay chiến đấu F-16 đời mới và gần 80 gói nâng cấp cho phi đội F-16 hiện có của Thổ Nhĩ Kỳ, để đổi lấy khoản tiền mà quốc gia Tây Á này đã nộp cho dự án F-35. Ông Erdogan thông báo sẽ phản hồi đề nghị trên với Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 sắp tới ở Glasgow (Vương quốc Anh).
Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu còn tiết lộ với CNN rằng, đang có một số mâu thuẫn nội bộ ở Mỹ về việc giải quyết những vướng mắc trong việc bán vũ khí cho đồng minh. Trong tuần này, một nhóm 11 nghị sĩ từ lưỡng đảng của Mỹ đã gửi thư lên chính quyền Tổng thống Biden, bày tỏ quan ngại về đề xuất bán F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ và yêu cầu Quốc hội Mỹ không phê duyệt đề xuất này.
Lý do là vì Tổng thống Erdogan gần đây đã tuyên bố sẽ mua thêm các tổ hợp phòng không S-400 của Nga. Bức thư của các nghị sĩ Mỹ nêu rõ “không thể làm tổn hại an ninh quốc gia" bằng cách bán vũ khí của mình cho một đồng minh của khối NATO nhưng lại "hành xử như một kẻ thù”.
Washington từng nhiều lần lên tiếng quan ngại về việc Moscow có thể sử dụng hệ thống S-400 để thu thập các thông tin mật về tiêm kích F-35, và cũng khẳng định chúng không phù hợp với các hệ thống vũ khí của NATO. Tuy nhiên, Ankara cũng liên tục nhấn mạnh hệ thống S-400 sẽ được sử dụng riêng và không đồng bộ với các vũ khí của liên minh quân sự này.
Trong một diễn biến liên quan, Trung tá Anton T. Semelroth, người phát ngôn của Lầu Năm Góc, cho hay giới chức quốc phòng cấp cao của cả hai nước đã gặp nhau để cùng "thảo luận về việc giải quyết các tranh chấp" trong thương vụ F-35 tại Ankara trong hôm 28/10. Theo ông Semelroth, các cuộc thảo luận đã diễn ra “hiệu quả”, thể hiện “cam kết” của Mỹ trong việc “giải quyết một cách tôn trọng” sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ vào chương trình F-35 của mình.
>>> Đọc tin quân sự trên VietNamNet
Việt Anh
Động thái đầy rủi ro của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ
Lệnh của Tổng thống Tayyip Erdogan trục xuất đại sứ của Mỹ và 9 nước phương Tây có nguy cơ gây ra sự rạn nứt chưa từng có giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các bên liên quan.